Miền Trung từ xa xưa đã nổi tiếng bởi cảnh sắc sơn thủy hữu tình, núi non vươn ra sát biển soi bóng xuống vịnh nước sâu xanh biếc, đồng bằng chia thành các mảnh nhỏ như những mảng màu điểm xuyết giữa bức tranh và vô số đường đèo uốn lượn tựa dải lụa mềm trải suốt dặm dài miên mải. Mỗi con đèo để lại dấu ấn của mình bằng một nét đẹp riêng, đèo Ngang trầm mặc mà thơ mộng, đèo Hải Vân hùng vĩ, đèo Cù Mông hiểm trở, đèo Hòn Giao bảng lảng khói sương…
Khác với những con đèo vùng Tây Bắc, đèo Miền Trung quyến rũ bởi thế đứng chênh vênh giữa một bên là trập trùng núi dựng và bên kia là biển cả sóng trắng xóa vỗ bờ. Đứng trên đỉnh đèo vào buổi bình minh khi ánh rạng đông bắt đầu bừng lên rực rỡ, ta sẽ thấy đắm say ngây ngất trước cảnh tráng lệ uy nghi của núi hòa cùng vẻ mênh mang vô tận của đại dương xa thẳm trải ra đến vô cùng. Tưởng chừng như mỗi dặm đường đèo là một nét vẽ hữu ý của thiên nhiên để cho con người có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh sắc đất trời mây nước quyện vào nhau mà thấy mình bé nhỏ biết bao trong bàn tay tạo hóa.
Không chỉ là nơi giao thoa giữa núi với biển, đèo miền Trung còn nằm ở ranh giới tự nhiên giữa phía Bắc và phía Nam khi hai mái con đèo là hai miền khí hậu khác hẳn nhau đến từng cơn gió cùng vị nắng. Có lẽ rất nhiều người đã trải qua cảm giác ngạc nhiên thú vị khi vượt đèo Hải Vân vào mùa đông, lúc mà thành phố Huế xám một màu mưa thì bên kia Đà Nẵng chào đón với ánh nắng vàng tươi ấm áp. Dường như tất cả những cơn gió lạnh buốt giá với mưa phùn rả rích ngày đêm đã dừng lại dưới chân Bạch Mã, để rồi ta có một miền Bắc lặng lẽ thâm trầm khác biệt với chất nồng nàn sôi nổi của phương Nam. Thiên nhiên theo một cách bí ẩn nào đó đã kiến tạo nên nét độc đáo cho mỗi vùng miền nhiều khi chỉ bằng một nhánh núi cắt ngang, để rồi mỗi con đèo trên đó bâng khuâng tựa chiếc khăn quàng vắt giữa hai đầu thương nhớ.
Trên hành trình mở cõi của cha ông, có biết bao lần những ngọn núi những con đèo miền Trung trở thành cột mốc đánh dấu cương vực đất nước. Nằm giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh, đèo Ngang từng là nơi phân chia địa giới giữa Đại Việt với Chiêm Thành cho đến thời nhà Lý, cũng là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện bi hùng ghi vào sử sách. Năm 1069, sau cuộc Nam chinh của vua Lý Thánh Tông, lãnh thổ Đại Việt mở rộng vượt quá đèo Ngang. Đến thời nhà Trần, vua Chiêm là Chế Mân dâng châu Ô châu Rí làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân, vùng đất có đèo Hải Vân trở thành bờ cõi. Năm 1471, trận Đồ Bàn của vua Lê Thánh Tông nhằm đáp trả đợt tấn công vào châu Hóa của Bà La Trà Toàn đã đưa ranh giới nước ta mở rộng đến đèo Cù Mông rồi sau đó là đèo Cả. Cuộc thiên di về phía Nam được tiếp tục dưới thời nhà Nguyễn còn kéo dài mãi về sau, làm sao kể hết được bao nhiêu mồ hôi và xương máu của cha ông đã đổ xuống để hình thành nên non sông gấm vóc Bắc Nam liền một dải.
Ải Hoành Sơn vẫn còn nguyên đó, lũy cổ Lâm Ấp vết cũ còn đây, chỉ có lớp lớp tiền nhân đã trở về cùng cát bụi. Bánh xe lịch sử bình thản cuốn qua những phận người nên câu thơ Bà Huyện Thanh Quan “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” cứ ngậm ngùi mãi nỗi u hoài nhân thế. Ngay cả Hải Vân Quan từng được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” trấn ngự trên đỉnh núi bốn mùa mây phủ, trải qua hàng trăm năm dâu bể giờ cũng chỉ còn lại phế tích phong sương bên dòng chảy vô tận của thời gian. Biên niên sử về những con đèo phải chăng chính là nơi ghi dấu biến động dữ dội của từng thời đại nối tiếp nhau trên dải đất miền Trung đầy nắng gió.
Có thể một ngày không xa nào đó, khi những hầm đường bộ hiện đại được đưa vào khai thác trên suốt tuyến quốc lộ chạy dọc miền Trung, muôn dặm đường đèo hiểm trở sẽ dần thưa vắng người xe qua lại. Trong lòng người lữ khách ngang qua dải đất này, niềm vui về một hành trình bình an liệu có xen lẫn đôi chút bâng khuâng hoài niệm những con đèo xưa cũ. Mây phủ trên đỉnh đèo vẫn là mây của nghìn năm trước, tiếng cuốc kêu chiều khắc khoải vọng về từ thuở ấy ai đó còn nghe?