Không xa nữa đâu, qua ngọn đồi này là tới. Nghe ông lão dẫn đường nói tỉnh
queo mà Hiệu bủn rủn cả người. Đôi chân lâu nay chỉ quen rà bàn đạp ga ô tô nhũn ra như ốc sên, phản kháng.
“Thôi nghỉ lát nghe bác”.
Hiệu nói rồi lựa một tảng đá to ngồi xuống sau khi đã phủi sạch nước đọng phía trên. Gần đến trưa mà khí trời vẫn còn ẩm ướt. Hiệu vuốt những hạt li ti bám đầy gấu áo, phóng tầm mắt ra xa. Đang độ sắp vào xuân, dọc bên bờ suối mận đơm bông trắng muốt như tuyết phủ. Dòng suối trong suốt, có thể nhìn thấy rõ mồn một từng đám rêu mỏng bám lập lờ xung quanh mép đá cuội nằm dưới mực nước thấp.
Hiệu cúi người chạm vào dòng chảy, một cảm giác ấm nhẹ suôn suốt tan vào tay khiến anh không khỏi ngạc nhiên. Ông lão dẫn đường rút từ trong túi điếu thuốc lá cuốn tay trông khá lạ mắt, ra dấu hỏi anh có dùng không rồi châm lửa.
“Đừng chạm vào nước. Uớt dễ bị cóng”. Ông già nói gỏn lỏn, từ khuôn miệng đang co lại phả ra đám khói màu xám bạc cuộn tròn, chưa kịp bay lên đã tan vội trong sương.
Hiệu ngồi thẳng dậy, chỗ khúc ngoặt có một tảng đá đâm ra, dòng suối hiền hòa bị chặn đột ngột cố vẫy vùng sủi lên từng tảng bọt, xa hơn nữa là bờ lau ăn đến tận mép suối, những bông lau cuối mùa xơ xác ngả nghiêng trông như tấm thảm bằng vải xô dập dìu dưới mưa xuân lất phất.
Thời tiết dễ chịu khiến Hiệu cảm thấy thật khoan khoái. Đã lâu rồi anh mới có cảm giác thư thái đến như vậy. Nhưng anh biết rằng mình còn việc cần phải làm và ngọn đồi kia là thứ cần vượt qua, để đến được giấc mơ mà anh khao khát.
Bà Niệm cắm cúi chẻ những sợi lạt trên ống giang, mỗi ống chẻ được ba mươi lăm sợi. Cuối năm nhà nào cũng gói bánh chưng, mang ra chợ bán kẻo phí của giời. Son ngồi một bên bó lá dong thành từng bó.
“Mệt không con, tê chân thì nằm nghỉ cho mau lành, mai mốt là chạy về nhà được
rồi”.
Thằng bé lỏn lẻn gật đầu, để con giúp cụ, có xíu hà, mệt chi.
Bà Niệm nhìn vẻ mặt lấm lem hồ hởi của thằng bé, vừa cười vừa nhổ bãi nước trầu.
“Ờ, tùy con. Giá mà người lớn cứ vô tư được như tụi nhỏ thì tốt biết bao.”
Bàn tay bà Niệm thoăn thoắt chẻ lạt, thỉnh thoảng bà lại quay qua nhìn thằng bé, dường như không tin sự hiện diện của đứa trẻ trước mặt là sự thật. Từ khi dời vào lũng Nậm Nim, ngoài bộ đội biên phòng và vài người của chính quyền lâu lâu ghé thăm cho gạo muối, vận động bà trở về làng Len thì chưa bao giờ có người lạ xuất hiện nơi đây chứ chưa nói đến trẻ con.
Ôi chao! Đứa trẻ!
Bà đã nuôi biết bao ước mơ tìm đứa trẻ của riêng mình nhưng số phận không cho ông bà toại nguyện. Bao nhiêu năm chờ đợi, hi vọng rồi thất vọng trong nghiệt ngã cuộc đời. Hễ người ta chỉ chỗ nào có thuốc trị hiếm muộn là ông Niệm xách ba lô đi tìm, dọc mạn Tây Bắc đến miền rừng Quảng Trị, lên Tây Nguyên rồi qua Campuchia. Hôm ông quay về từ Phù Seo, bà khấp khởi chạy ra đón chỉ thấy ông mang về một gốc đào.
“Già làng Phù Seo nói chỉ cần tưới bón cây đào bằng những thứ thanh sạch và quý giá nhất mà chủ nhân có, đợi mùa xuân hoa nở tìm được trên cây này một bông hoa đơn sắc, ngắt xuống đun với bảy chén nước và bảy lá đào thì sẽ đậu con.”
Bà bảo, ông để người ta bịp mất tiền bán bò rồi quay vào nhà không nói gì thêm. Ông Niệm trồng cây đào bên giếng, mùa đầu tiên nở ra toàn những những bông hoa tam sắc, bông nào cũng sáu cánh, hai đỏ như máu, hai trắng như tuyết, hai vàng như cát.
Mặc dầu không tin nhưng tiền chạy chữa tìm thuốc bấy lâu đã cạn, ông Niệm sức khỏe cũng này một kém đi, bà Niệm chỉ còn biết trông chờ vào cây đào. Mỗi mùa xuân đến vợ chồng bà lại dậy sớm ra gần giếng, dù ngày ấm hay mưa phùn giá rét, để rồi thẫn thờ quay vào căn nhà vắng lặng.
Ấy thế mà một hôm mụ Thôn hàng xóm sang chơi lân la lại bên cây đào xuýt xoa, giống đào quý quá, cho nhà tôi một nhánh về chưng Tết, bà Niệm không đồng ý. Mụ Thôn mặt hầm hầm đi ra, lẩm bẩm, khiếp người đâu mà keo.
Chiều ấy con chó nhà mụ Thôn đuổi gà nhảy băng qua vườn ông bà Niệm, quảy quả thế nào lại lăn ra chết. Mụ Thôn sồn sồn chạy đến đòi bắt đền.
“Tôi biết thế nào được”. Ông Niệm bình tĩnh đáp.
Mụ Thôn không chịu, xăm xăm chạy khắp nơi ngó nghiêng. Lại gần gốc đào mụ sững người rồi à lên một tiếng.
“Hèn gì, hèn gì. Hôm qua tôi sang chơi uống nước về bụng cứ đau thắt.” Mụ Thôn gật gù.
Sau lần đó không biết từ đâu mà tin đồn nhà ông bà Niệm có nuôi con ma thuốc độc trong cây đào lan ra khắp làng Len.
“Làm gì có cây đào nào mà bông hoa ba sắc, lại còn có cánh đỏ như máu”.
Dần dần chẳng ai lai vãng qua ngõ nhà bà Niệm. Họp thôn mình chồng bà ngồi một ghế, cách trước cách sau trống trải và tan hoang như lòng người trước hiềm nghi xa lánh.
Ông Niệm nhổ theo cây đào, dắt cả nhà vào lũng Nậm Nim. Chỉ có núi rừng bao dung với chúng ta, ở đây không lừa dối, không có oan khiên. Nơi lòng người đầy hận thù đơm đặt, làm sao cây đào quý có đủ sự thanh khiết mà trổ ra được một bông hoa đơn sắc? Hằng ngày ông Niệm dậy sớm hứng sương núi để tưới cho cây đào. Mỗi lần như vậy từ trong nhà nhìn ra, thấy ông bên gốc đào với đôi vai gầy khom xuống, bà Niệm lại quay vào khóc.
Mới đó mà đã bao nhiêu năm, con suối Nậm Nim từ chỗ nước chảy tràn bờ, ngập đến chân rừng mận gai, nay thoi thóp trước những biến đổi của rừng đầu nguồn, chỉ còn là một con lạch nhỏ chạy len lỏi qua bãi rì rì, xuyên đám lau sậy.
Người đi rừng tránh không vào lũng Nậm Nim, con ma thuốc độc vẫn còn trong đó. Cây đào rực rỡ giữa những mùa xuân, khoe cánh hoa sắc màu.
Đến khi ông Niệm mất rồi, bà vẫn tưới cho cây đào như một thói quen.
Còn lại một mình, dù rằng chính quyền và bộ đội nhiều lần vận động bà về lại làng Len nhưng bà lắc đầu. Về chi giờ, về với ai? Về với hiềm nghi mà bỏ lại Nậm Nim, bỏ lại cây đào tam sắc không ai tắm tưới, bà chẳng đành.
Lội qua suối thêm một đoạn, rừng lau dạt sang hai bên để lộ con đường đất nhỏ ôm theo cánh cung chân đồi.
“Thôi đến đoạn này anh tự đi, cứ men theo đường đất, tầm hơn một cây nữa là thấy nơi cần tìm.” Ông già dẫn đường nói vậy rồi quả quyết quay ra, không để Hiệu kịp phản ứng.
Biết thế ban đầu chưa đưa hết tiền công một lần, Hiệu thầm nghĩ và trách mình quá tin người. Ông già đã băng qua sang bờ bên kia con suối.
Hiệu dừng lại, trước mặt là rặng đồi thấp lưa thưa cây bụi và cỏ dại. Ở nơi hoang vu này một mình khiến anh chột dạ. Nói dại, lỡ đâu có đám cướp đường nhảy ra thì coi như toi mạng.
Nhưng đã đến nước này chả lẽ lại quay về, chỉ còn quãng ngắn nữa thôi anh sẽ với tới giấc mơ hằng ao ước.
Hiệu nhìn điện thoại. Mười giờ. Trên màn hình xuất hiện hai vết đỏ của cuộc gọi nhỡ. Là mẹ. Hiệu tắt máy bỏ vào túi quần, chợt nhớ ra đã lâu anh chưa ghé thăm nhà, chắc mẹ sẽ hỏi bao giờ về ăn Tết.
Nhưng anh nào có thể trả lời câu hỏi ấy. Trước mắt anh lúc này không gì quan trọng bằng vị trí trưởng phòng kinh doanh của công ty.
Khỉ thật! Hiệu vừa đi vừa lẩm bẩm, mọi chuyện tưởng chừng đã êm xuôi thì tay Phong từ đâu xen vào. Bao nhiêu năm qua vì chỗ đứng này mà mỗi khi Tết đến anh đều phải chầu chực nhà sếp tổng từ ngày hai mươi tám. Nào giúp sếp dọn vườn tược, trồng tiểu cảnh, nào là chùi dọn cả ban thờ nhà Sếp. Mồng một chở Sếp đi lễ chùa, mồng hai chở Sếp dạo nâng vài chén rượu mừng xuân. Năm nào cũng thế, anh chẳng còn thời gian để về với mẹ trước và sau Tết, có về cũng chỉ ngang qua như một khách lữ hành. Tết của anh chính là sếp đấy thôi.
Vậy mà lão Phong dựng chuyện, khiến sếp nhìn anh với vẻ mặt lạnh lẽo của tảng băng không thể nào vữa ra một mảnh nhỏ dù anh đã cố làm đủ mọi cách để lấy lại niềm tin.
Biết làm sao biết làm sao! Hiệu hoảng hốt nghĩ đến miếng ăn mang tận miệng còn rơi xuống đất. Quay cuồng, run sợ. Hết thật rồi! Ra Tết việc bổ nhiệm sẽ đâu vào đấy.
Chán chường, Hiệu định buông tay. Bỗng một hôm vợ sếp buột miệng, anh nhà chị mấy nay nằm mơ thấy cây đào tam sắc, chắc có điềm lành, giờ mà chú kiếm được thì muốn gì anh cũng chiều.
Như kẻ chết đuối vớ được cọc, trong cơn vẫy vùng, Hiệu lùng sục hết những chỗ quen với hi vọng tìm được thứ cần. Vào hôm qua, một tên chạy vặt kể với hắn về cây đào ở Nậm Nim, đó chính là lí do mà anh xuất hiện nơi đây.
Bà Niệm nhìn thằng bé Son chơi quẩn quanh với con bọ ngựa ngang qua thế giới bên chiếc giường của mình. Nó loay hoay tìm cách bôi một ít vôi vào lưng chú côn trùng, nhưng con bọ né bên này lại nhảy sang bên kia.
Bà nhìn thằng bé đầy trìu mến. Son đến bất ngờ giống như cơn gió ấm thổi ùa vào cuộc đời bà trong ngày đông buốt lạnh. Bà nhớ, cái buổi chiều cách đây mấy hôm khi bà đang lúi húi ngoài khoảnh vườn bắt đám rệp nâu phá rau xanh thì bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu. Thoạt tiên bà tưởng đó là tiếng mèo hoang vọng tình, nhưng không, đó là âm thanh loài người, tiếng kêu của đứa trẻ. Bà Niệm định thần lắng tai nghe lần nữa song chỉ nghe tiếng nước chảy róc rách của con suối.
Chắc là mình nhầm, bà Niệm nghĩ, thế quái nào mà trẻ con xuất hiện ở chốn này được. Nhưng tiếng thét lại vang lên khiến bà vội vàng thả cái muỗng xỉa rau xuống đất, lập cập đi về phía bờ đá.
Ở đó, cách gốc đào tam sắc cỡ một sải tay là khe đá nứt phân tách bãi đồi vỡ hoang làm nhà với vùng lũng sâu phía dưới. Cũng ở đó, một thằng bé nằm lủng lẳng treo lên vách đá, hai tay nó đang cố bấu vào bụi tử đằng đang võng mình trụ lại sức nặng của thằng bé, tưởng chừng chỉ một giây thôi là cả cơ thể đứa trẻ sẽ bật ra rơi tõm xuống dải đá bàn chông lởm chởm dưới đáy đồi.
“Trời ơi, đất ơi!”
Bà Niệm lắp bắp. Hai chân run lẩy bẩy.
Cái thằng bé đang ở tình thế ngàn cân kia kiến bà không biết phải xoay xở như thế nào. Bà đứng lên nhìn vào chỗ cất gậy trong nhà, nếu đi vào lấy sợ không kịp mất. Thế rồi bà nằm thụp xuống, bò sát dất, tiến dần ra mép đá.
“Không sao, không sao cả con ơi”. Bà nói thì thào. Thằng bé mặt tái nhợt quờ tay lên phía trên.
“Giữ yên đó”.
Bà Niệm nói như hét. Trong tích tắc, bà quyết định ngoắc hai bàn chân vào khoảng chia đôi hai cành của cây đào tam sắc, rướn người ra bờ vực.
“Từ từ nào, đưa tay đây con. Trời đất ơi giúp con. Ông Niệm ơi giúp tôi”. Bà vừa lầm rầm cầu khẩn vừa bò tới đứa trẻ. Một cơn gió ngang qua, cánh hoa đào rơi xuống lả tả. Bà chạm vào cánh tay rất mềm, bằng tất cả sức lực, bà kéo nó lên.
Sau hôm cứu được thằng bé, biết nó tên Son, bà Niệm cười:
“Mày đúng là đỏ như son con ạ”.
Bà Niệm bảo Son ở lại ít hôm đợi mấy vết thương nhỏ ổn định. Thằng bé hí hửng:
“Lúc này con mà về thế nào cũng bị mẹ đánh. Cả nhà đã dặn không bao giờ được bén mảng lại gần Nậm Nim. Ấy thế mà lúc đi hái nấm, không hiểu sao con lại theo vết nấm vào đây, càng đi càng thấy nhiều, rồi trượt chân ngay bờ đá."
Câu nói vô tư của đứa trẻ khiến lòng bà Niệm thắt lại. Kí ức nhiều khi tưởng chừng đã ngủ quên, nay lại ùa về cùng những khinh bỉ, xa lánh lạnh lùng khiến bà chua xót.
“Con ở lại đây ít ngày, khi nào chân lành hẳn và bà khỏe hơn, bà dẫn con ra đường lớn. Cái thân già này giờ cũng không còn sức.”
Bà Niệm nói rồi nhìn ra ngoài. Cuối khoảnh vườn, bên mép đá, cành đào tam sắc đung đưa trong gió xuân nhẹ và ấm.
Sương đã tan.
Trời hửng dần.
Hiệu rảo bước trên đường đất bám đầy thứ cỏ trai xanh mướt. Hơi xuân bao phủ lũng Nậm Nim mang đến bầu không khí vừa tinh khiết, vừa mê hoặc. Mùi cỏ ngái nồng, mùi hoa dại thanh thanh, mùi sương vương sót lại mát và lạnh, tất cả khiến anh thấy nao nao. Nó khác với mùi rượu ngoại, mùi nước hoa trong những cuộc tiếp khách thâu đêm suốt sáng.
Đã lâu rồi mới có thời gian đi trong cái tĩnh lặng của rừng xuân. Hiệu chợt nhớ đến ngày còn nhỏ, mẹ dắt anh trên những cánh đồng đang vào vụ giáp Tết. Trên những luống cày mới vỡ cũng thơm mùi đất mới như hôm nay, thằng bé là anh chạy tung tăng đùa giỡn, mẹ vừa lom khom gieo hạt, vừa nhìn anh nhắc, cẩn thận kẻo vấp ngã nha con.
Ký ức ùa về như thác đổ khiến Hiệu thấy bâng khâng. Đã lâu lắm rồi...
Bất chợt trước mặt anh hiện ra ngôi nhà nằm thom lom giữa sườn đồi. Hình như là nó. Hiệu rảo bước thật nhanh xua đi dòng suy nghĩ đang khiến anh trở nên yếu đuối.
Mất tầm mười phút Hiệu mới lên đến cổng nhà.
Một cảnh tượng đập vào mắt khiến anh sững sờ: Cây đào tam sắc nở bung trong gió, những cánh hoa rực rỡ sắc màu toát lên vẻ đẹp kiêu hãnh và huyền mặc Hiệu đứng lặng người. Từ chỗ này nhìn ra, cây đào sừng sững in mình lên sắc xanh của núi, bông hoa bung nở như tuyết điểm, như hổ phách, như cát biển hòa lẫn lại với nhau tạo thành bức tranh đầy mê hoặc.
Một sự xáo trộn nảy mầm trong trí óc, vẻ đẹp của cây đào khiến Hiệu thẫn thờ.
Lát sau, anh chậm rãi tiến về phía ngôi nhà, qua khoảng sân ngay đầu góc giếng, bà cụ tóc điểm muối tiêu đang ngồi lật qua lật lại những lá dong chùi cho sạch sẽ. Lưng cụ oằn xuống, nhẫn nại.
Hiệu lặng lẽ ngắm nhìn bà cụ chùi lá. Anh im lặng ngắm thật lâu, tưởng chừng thời gian và không gian đã trở nên vô hiệu. Giây phút này anh thấy lòng mình sao mà bình yên quá. Anh ngỡ mình hóa thành đứa trẻ cách đây ba mươi mấy năm, chạy lon ton giữa khoảnh sân gạch vỡ, mẹ chùi lá dong, cha làm thịt lợn, tất cả ồn ã tấp nập chuẩn bị đón cái Tết sắp đến gần. Anh đứng đó nhìn đứa trẻ chạy quanh khoảng sân tiềm thức, chờ đợi lúc bắc nồi bánh chưng lên bếp, quay qua quay lại hỏi khi nào bánh chín để con được thử, mẹ cười hiền, ăn bánh nóng là bị đầy bụng nghe con.
Từng mảng kí ức bong ra. Không biết tự khi nào nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt Hiệu.
Bất chợt hình bóng đứa trẻ mờ dần, chỉ còn lại bà cụ ngồi cô đơn bên mái hiên giữa lũng núi hoang vu trong buổi trưa gió lùa xao xác. Chắc giờ này mẹ cũng đang một mình dọn dẹp, thoáng nghĩ đến đó Hiệu thấy quặn trong tim.
“Chào chú, có việc gì đó ạ”.
Tiếng trẻ con lảnh lót làm Hiệu giật mình. Một khuôn mặt bé thơ ló qua ô cửa nhỏ nhìn anh đầy tò mò.
Hiệu bối rối. Như kẻ trộm bị phát hiện, anh chào nhanh rồi vội vàng bỏ đi. Anh đi như chạy, đi như bay băng qua đường đất rẽ sang con suối. Anh đi như kẻ trốn chạy chính mình.
Về thôi, về thôi. Có mẹ anh đang đợi. Tất cả thứ khác chỉ là vinh hoa phù phiếm.
Hiệu bước thật mau, gió tràn qua lũng thổi vào mặt anh lạnh buốt.
Đến bờ suối anh chợt gặp đám người hình như là dân địa phương. Một trong số đó ngăn anh lại:
“Anh có thấy cậu bé nào tầm bảy tuổi quanh đây không?” Người đàn ông lạ mặt nói.
“Tôi không chắc, nhưng anh có thể đi về phía sâu trong lũng, tôi có gặp một bé trai ở đó”
Đám người nhìn nhau, nửa mừng rỡ, nửa bàng hoàng. Anh chào họ rồi đi. Ngang qua bãi cỏ lau buông mình phất phơ trong gió nhẹ, Hiệu thấy lòng mình rạo rực như mùa xuân.
Từ lần đó, năm nào Hiệu cũng về quê đón Tết. Sau này có dịp ghé qua làng Len, hỏi thăm bà cụ trong Nậm Nim, người bán nước chỗ anh dừng chân kể: Bà cụ đã về dưới làng Len sinh sống rồi.
Anh hỏi, cụ ở một mình ư?
Chủ quán bảo, nghe nói dạo đó bà cụ cứu được một đứa trẻ trên núi, người nhà họ đến khóc mà cảm ơn lắm lắm. Đứa trẻ đó là cháu bà Thôn xóm dưới, vừa mới chạy qua đây này, giờ gia đình họ nhận bà cụ làm mẹ nuôi. Thế đấy anh ạ, ở đời có nhiều thứ kì lạ lắm.
Hiệu lại hỏi, thế cây đào tam sắc, còn không?
Người bán nước rót ra một cốc trà vối ấm, cây đào đó chúng tôi không biết, có khi nó đã thành thứ cây rừng giữa bốn bề núi dựng.
Hiệu trầm ngâm. Anh ngước mắt về phía ngọn núi xa, trong phút chốc, giữa màu xanh của núi rừng, anh thoắt thấy ẩn hiện một cây đào, những cánh hoa mang ba màu rực rỡ, như tuyết, như cát, như hổ phách đang bung mình trong gió xuân. Anh chợt nhớ lúc trên núi, trong giây phút kinh ngạc nhìn ngắm cây đào trổ bông, anh phát hiện ra xen giữa các bông đào tam sắc, có một bông hoa sáu cánh hồng tươi vừa mới nở, lấp lánh, ấm áp như mùa xuân./.