Hương Long, đón nhận di tích Lịch Sử - Văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Mai Xuân Lâm.
Tới dự buổi lễ, về phía lãnh đạo cấp tỉnh, có Đ/c Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc sở VH, TT,DL Hà Tĩnh, Đ/c Nguyễn Tùng Lĩnh Trưởng phòng Quản lý Di sản và các đồng chí cùng đi trong đoàn. Về phía cấp huyện có các đồng chí đại diện lãnh đạo UBND huyện, Đại diện Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Đại diện Phòng và Trung tâm Văn hóa, Thông tin,Thể thao Du lịch huyện Hương Khê.
Dòng họ Mai di cư đến làng Phúc Ấm, Hương Long vào giữa thế kỷ thứ XVII. Tại đây, con cháu dòng họ đã cùng chung tay góp sức với các dòng họ khác khắc phục khó khăn, hòa nhập với cộng đồng, chăm lo lao động sản xuất góp phần giúp làng Phúc Ấm trở thành vùng quê phát triển phồn thịnh. Mỗi chặng đường đi qua là một mốc son chói lọi của dòng tộc. Đến thế kỷ XVIII, trong dòng họ nổi lên những nhân vật có vai trò lịch sử được triều đình ghi nhận, đáng chú ý là Mai Xuân Lâm - tên tuổi của ông không chỉ là niềm tự hào của gia tộc mà còn lưu danh cùng quê hương xứ sở.
Mai Xuân Lâm sinh năm Tân Hợi (1731), ông nổi tiếng là người thông minh có chí hướng, giỏi văn chương, thơ, phú, tướng mạo tráng kiện, võ nghệ cao cường. Năm Canh Ngọ (1750), trúng khoa thi Tam trường. Lớn lên trong thời kỳ loạn lạc, dân tình đói khổ lầm than, triều đình rối ren bất lực. Trong hoàn cảnh đó ông đã không tiến thân bằng con đường khoa cử mà tham gia binh nghiệp bảo vệ giang sơn, cứu lấy giống nòi. Sau khi gia nhập quân đội, triều đình đã tin cậy giao cho ông chỉ huy nhiều trận đánh ngăn chặn thổ phỉ từ Quảng Tây ra cướp phá biên cương và đánh dẹp quân phản loạn cát cứ chống lại triều đình Hưng hóa, Sơn Tây và Nghệ An, góp phần giữ vững cương thổ quốc gia và ổn định xã hội.
Với những đóng góp to lớn đó, ông được vua Lê Cảnh Hưng ban đạo sắc, ghi nhận công lao trong sự nghiệp chấn hưng và bảo vệ đất nước, đạo sắc này hiện đang được lưu giữ tại di tích nhà thờ Mai Xuân Lâm, xóm 5, xã Hương Long.
Bên cạnh đó, dòng họ Mai - Phúc Ấm còn có những người con tiêu biểu có nhiều đóng góp cho cho quê hương, đất nước như: cụ Mai Biền tham gia Phong trào Cần Vương trong đội quân Khê Cư, cụ Mai Linh tham gia Ban chấp Hành Đảng bộ huyện Hương Khê, cụ Mai Phì là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của Huyện ủy Hương Khê... Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhiều người con của họ Mai đã đi theo tiếng gọi của Đảng tham gia công cuộc bảo vệ đất nước, nhiều người đã hi sinh anh dũng trong hai cuộc kháng chiến, chống Pháp và chống Mỹ. Hòa bình lặp lại, con cháu dòng họ Mai hăng say học tập, lao động, sáng tạo và giữ những trọng trách trên các lĩnh vực hoạt động khác nhau trong và ngoài nước nhưng vẫn luôn hướng về quê hương nguồn cội, ra sức phấn đấu rèn luyện tiếp bước sự nghiệp vẻ vang của tổ tiên, đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Với những công trạng và những đóng góp đã nêu trên, ngày 10/4/2015, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1213/ QĐ - UBND, về việc công nhận nhà thờ Mai Xuân Lâm là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự tự hào của gia tộc và quê hương xứ sở.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Trần Sáng nhấn mạnh: Nhà thờ Mai Xuân Lâm là di tích Lịch sử - Văn hóa có giá trị, trong thời gian tới đề nghị chính quyền địa phương và Ban quản lí dích phát huy có hiệu quả giá trị lịch sử văn hóa gắn với các hoạt động lễ hội tại địa phương. Chăm lo công tác môi trường sinh thái, bảo vệ di tích trước sự xâm hại của thiên nhiên. Bảo vệ các hiện vật, các tư liệu tránh hư hỏng, mất mát. Tiếp tục sưu tầm các hiện vật, tư liệu liên quan phục vụ công tác nghiên cứu. Tăng cường công tác giới thiệu tuyên truyền về giá trị lịch sử văn hóa của di tích nhằm giáo dục con cháu dòng họ và thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước, qua đó khích lệ lòng tự hào dân tộc, nhắc nhở con cháu mai sau biết giữ gìn nguồn cội văn hóa; đồng thời động viên các thế hệ sống và cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Cũng nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Hương Long, kêu gọi con em gia tộc Mai cũng như con em Hương Long trên mọi miền của đất nước và ở nước ngoài, hãy hướng về nguồn cội, đóng góp sức người, sức của để tu bổ, tôn tạo Nhà Thờ Mai Xuân Lâm và đền Làng Phúc Ấm nhằm khôi phục lại vị thế vốn có của những di tích đó và bảo tồn phát huy giá trị Lịch sử - Văn hóa quê hương.
Tác giả bài viết: Thúy Hợi - Hương Long