Hình ảnh mang tính chất minh họa
1. Vị trí địa lý và truyền thống cách mạng
1.1. Vị trí địa lí
Hương Khê là một huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh, nằm gọn trong dãy núi Trường Sơn có nhiều đồi núi trùng điệp. Trước năm 2000, Hươmg Khê còn bao gồm 5 xã Hương Quang, Hương Điền, Hương Đại, Hương Thọ thuộc huyện Vũ Quang ngày nay.
Phía Bắc Hương Khê giáp với huyện Hương Sơn. Đây là cầu nối Hương Khê, Hà Tĩnh với Lào qua con Đường số 8 qua Huyện Hương Sơn.
Phía Nam giáp huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình). Hương Khê được nối liền với Quảng Bình bằng tuyến đường sắt, đường bộ. Đây là con đường vận chuyển của hậu phương tới chiến trường Bình - Trị - Thiên, từ đó sang chiến trường Lào.
Phía Đông Hương Khê giáp với các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, đây là những huyện đồng bằng - nơi cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường Bình - Trị - Thiên, chiến trường Lào qua địa bàn Hương Khê.
Phía Tây Hương Khê có dãy Trường Sơn hùng vĩ giáp với tỉnh Khăm Muộn (Lào) trên tuyến biên giới hơn 80 km với một cửa khẩu và hàng trăm lối mòn thông thương khác.
Hương Khê có nhiều hang núi đá rất cao lớn ở Phúc Trạch, Hương Trạch, có núi non trùng điệp rất thuận lợi cho việc xây dựng kho tàng quân sự.
Về giao thông, Hương Khê có hệ thống giao thông khá thuận tiện. Đường sắt từ Hương Khê đi qua Đức Thọ, ra Vinh - nối liền với Thanh - Nghệ. Từ Hương Khê vào Quảng Bình - nơi đó là chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa. Hương Khê còn nằm trên con đường thượng đạo (một mạng đường mòn) từ ngày xưa đã là đường chiến lược trong việc bảo vệ tổ quốc nối liền các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và sang Trung Lào - Hạ Lào. Trong phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX, Phan Đình Phùng đã sử dụng con đường này để sang Lào, Thái Lan mua thuốc súng… Đầu thế kỷ XX, các chiến sĩ cách mạng thời cận đại đã sử dụng con đường này để xuất dương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), con đường này đã được Liên khu 4 sử dụng để vận chuyển nhân lực, vật lực từ Hương Khê sang Trung Lào qua đường số 8 và đường 12. Hương Khê còn có mạng lưới giao thông đường thuỷ hết sức thuận lợi như sông Ngàn Trươi, Ngàn Sâu, sông Tiêm, rào (sông) Nổ có thể thông thương với khắp các xã trong huyện, xuống tỉnh hoặc sang vùng rừng núi Hương Sơn, Đức Thọ. Mạng lưới giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt này là điều kiện thuận lợi để cách mạng có thể di chuyển vùng bảo đảm bí mật đồng thời có thể vận chuyển vũ khí lương thực, nhận tiếp tế từ nơi khác về.
Sau này, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hương Khê là huyết mạch của tuyến vận tải chiến lược 559, là nơi đóng Chỉ huy Sở tiền phương của Đoàn 559.
1.2. Truyền thống yêu nước và cách mạng
Từ xa xưa cho đến đời Đinh, Lí, Trần, Lê, Hương Khê nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, vùng đất “trại” (thuộc Nghệ An) được coi là phên dậu ở phương Nam của quốc gia nên vị trí đó rất quan trọng trong các cuộc kháng chiến ngoại xâm. Nhân dân Hương Khê đã tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan chống quân nhà Đường năm 722. Thế kỉ XV, phong trào chống Minh xâm lược diễn ra quyết liệt. Đất Đỗ Gia (Hương Sơn) và núi Trà Sơn, nhiều vùng giáp giới Hương Khê, Hương Sơn đã trở thành bản doanh của Lê Lợi. Trại sản xuất ở Thổ Hoàng (Phương Mỹ), Tri Bản (Hòa Hải) của Bà Bạch Ngọc Hoàng hậu là hậu cứ vững chắc của nghĩa quân Lam Sơn. Sau khi thắng lợi, Lê Lợi đã nhận xét như một bản tổng kết chiến cuộc: “Đất xứ Nghệ thắng địa, dân xứ Nghệ thắng binh” [1].
Ở thế kỷ XVIII, Hương Khê là một trong những nơi đón tiếp của đội quân Quang Trung trước khi sang giúp nhân dân Lào đánh quân Xiêm.
Cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đã chọn Hương Khê làm đại bản doanh, cho xây dựng thành Sơn Phòng ở Phú Gia. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) là tiêu biểu nhất, điển hình nhất trong phong trào Cần vương; Hương Khê là trung tâm của Phong trào Cần vương. Các xưởng đúc vũ khí mà Cao Thắng tạo trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã để lại nhiều kinh nghiệm cho cơ xưởng vũ khí ATK trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954).
Đầu thế kỷ XX, cụ Tú Phương đã lập trại cày ở Truông Bát (Hà Linh – Hương Khê) để sản xuất lương thực và lập một cơ sở liên lạc với các nhà yêu nước trên đường sang Lào, Thái Lan rồi tìm cách sang Nhật theo tiếng gọi của cụ Phan Bội Châu. Trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), nhân dân Hương Khê vùng dậy lập được một số Xô Viết ở một số làng, xây dựng chế độ mới. Trong thời kỳ khởi nghĩa từng phần của Cách mạng Tám, nhân dân Hương Khê đã chủ động tấn công quân Pháp khi chúng kéo về cướp bóc tại xã Hương Minh (nay thuộc huyện vũ Quang); hưởng ứng phong trào phá kho thóc Nhật tại Chu Lễ giải quyết nạn đói. Từ ngày 10/8 đến ngày19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hương Khê và Uỷ ban khởi nghĩa Hương Khê, nhân dân Hương Khê đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Thắng lợi của nhân dân Hương Khê đã góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành một trong bốn tỉnh đầu tiên giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám.
Như vậy, vị trí địa lí và truyền thống yêu nước của nhân dân Hương Khê là điều kiện quan trọng để Đảng bộ Hà Tĩnh và Uỷ ban hành chính Trung Bộ (sau này là Uỷ ban kháng chiến, hành chính Trung Bộ) chọn Hương Khê là nơi xây dựng An toàn khu Trung Bộ (ATK) trong kháng chiến chống Pháp.
2. Quá trình hình thành và phát triển ATK Trung Bộ ở Hương Khê (Hà Tĩnh)
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống Pháp lan ra khắp toàn quốc. Tại mặt trận Bình - Trị - Thiên, sau khi được tăng cường lực lượng, quân Pháp đã gây nhiều thiệt hại và khó khăn cho ta. Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc Liên khu 4, trong đó có Hương Khê vẫn được bảo vệ vững chắc và trở thành vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Để đảm bảo lực lượng kháng chiến, Khu ủy 4 kịp thời kịp thời chỉ đạo sơ tán và di chuyển cơ quan, đơn vị hành chính từ Bình - Trị Thiên ra các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, trước hết là hà Tĩnh. Với ưu thế về sự an toàn, vị trí địa lý và tinh thần yêu nước, Hương Khê được Đảng bộ Hà Tĩnh và Uỷ ban hành chính Trung Bộ chọn làm An toàn khu (ATK), đặt cơ quan, trường học, công xưởng, sơ tán nhân dân, xây dựng cơ sở cách mạng.
Đầu năm 1947, cán bộ, công nhân, học sinh hỏa xa và trường kỹ nghệ chuyển máy móc, thiết bị ra tập kết ở ga Gia Phố, Chu Lễ để thành lập các xưởng sản xuất vũ khí. Cũng trong thời kỳ đó, một số xưởng sản xuất vũ khí ở Đà Nẵng, xưởng Hỏa xa Hà Nội, Phủ Lạng Thương, Đồng Văn cũng đến ga Phúc Trạch sau đó trở lại Yên Duệ để tổ chức các cơ sở sản xuất vũ khí, sửa chữa động cơ, máy móc. Công nhân xưởng Nguyễn Chí Diễu ở Quảng Bình ra, xưởng Hoàng Văn Thụ ở phía Bắc vào cùng tham gia chế tạo vũ khí với các xưởng sản xuất vũ khí ở Hương Khê.
Từ tháng 3/1947 trở đi, các ATK được hình thành. ATK1 trung tâm là địa bàn các xã Hòa Hải, Phúc Đồng ngày nay. ATK2 ở khu vực Hói Trùng xã Hương Thọ thuộc huyện Vũ Quang ngày nay. Các ATK được tổ chức xây dựng ở những khu vực có địa hình hiểm trở, nhưng lại tiện đi lại vận chuyển, đồng thời cũng tạo nên những yếu tố bí mật, bất ngờ, làm cho kẻ địch khó phát hiện được. Nếu tình huống chiến tranh xảy ra, đây cũng là nơi cố thủ có thể tổ chức phản công, tấn công tiêu diệt địch trên các hướng.
Các cơ sở sản xuất vũ khí có Cơ xưởng 1 ở Gia Ninh (nay là xã Gia Phố) gồm cán bộ, công nhân hỏa xa Huế và 2 xưởng sửa chữa Huế, Thuận Lý. Đến tháng 5-1947, Cơ xưởng 1 chuyển về ATK1 lập nên cơ xưởng 8 gồm 200 cán bộ, công nhân. Cán bộ công nhân trường kỹ nghệ thực hành Huế cùng với bộ phận còn lại của Cơ xưởng 1 ở Gia Ninh được chuyển đến Phúc Đồng, thành lập một xưởng sản xuất vũ khí lớn lấy tên Cơ xưởng Phúc Đồng có 350 cán bộ, công nhân với một khối lượng lớn phương tiện máy móc, thiết bị. Xưởng vừa sản xuất vũ khí, vừa đào tạo công nhân các ngành nghề phục vụ sản xuất tại chỗ và bổ sung các cơ xưởng khác[2]. Cơ xưởng 3 gồm các bộ, công nhân Đềpô Phúc Trạch cùng với một số công nhân Phủ Lạng Thương, Đồng Văn (Hà Nội) chuyển về ATK 2 sau một thời gian ở ở Yên Duệ (Đức Thọ). Tổng số cán bộ công nhân viên của xưởng khoảng 200 người. Ngoài 3 cơ xưởng sản xuất vũ khí lớn trên, còn có xưởng điện xa ở Chu Lễ (nay thuộc xã Hương Thủy) có khoảng 30 công nhân làm nhiệm vụ sửa chữa ô tô máy móc, đóng ca nô. Ở ATK2 được tổ chức in Bạc tài chính và sản xuất vũ khí. Nhưng chủ yếu là in Bạc tài chính còn vũ khí thì không sản được nhiều vì thiếu nguyên liệu và kỹ thuật.
Bên cạnh các xưởng sản xuất vũ khí, các cơ xưởng còn đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật giỏi cho quân đội và đất nước.
Kết quả ở các cơ xưởng vũ khí đã sản xuất được nhiều loại vũ khí như mìn, lựu đạn, nhất là mìn đánh xe, súng phóng bom và bom phóng, súng không giật (SKZ) có sức công phá gấp 3 lần súng Bazôca, sản xuất thành công Axitsunfurich, đạn cối các cỡ, địa lôi, đạn AT. Những vũ khí trên của các cơ xưởng đã góp phần, đáp yêu cầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc ở Liên khu 4.
Ngoài việc sản xuất vũ khí, in Bạc tài chính, nhân dân Hương Khê còn ra sức khai hoang, phục hóa để tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực để cung cấp cho mặt trận. Trên lĩnh vực giáo dục, Hương Khê đã thành lập trường Trung học Gia Phố để đón học sinh từ Bình - Trị - Thiên ra học. Trường Trung học Gia Phố là một trong ba trường lớn của tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ và đào tạo nhiều học sinh sau này có tên tuổi như: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế; Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Xuân Hoài; Thiếu tướng Phan Chí Thiết….
3. Vai trò của ATK Trung Bộ ở Hương Khê.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), ATK Trung bộ ở Hương Khê là một bộ phận quan trọng vùng tự do Liên khu 4. TK ở Hương Khê đã kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ; nhiêm vụ hậu hương chi viện tuyền tuyến và nhiệm vụ quốc tế với cách mạng Lào.
ATK Trung Bộ ở Hương Khê là địa bàn an toàn cho trung tâm lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc ở phía Nam của Liên khu 4. Phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của ATK Trung Bộ không chỉ giới hạn trong phạm vi không gian Hương Khê, mà rộng cả Trung Bộ và Trung Lào. ATK Trung Bộ ở Hương Khê không chỉ là nơi tập trung những công binh xưởng sản xuất vũ khí mà còn là nơi đứng chân của các đơn vị bộ đội từ cấp Đại đoàn trở xuống; nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Bình - Trị Thiên; là nơi đón tiếp nhiều cán bộ cao cấp của Trung ương và Liên khu 4, cán bộ Lào về chỉ đạo kháng chiến.
ATK Trung Bộ ở Hương Khê là nơi thực hiện chế độ dân chủ mới. Là một trong những địa phương thuộc địa bàn vùng tự do và là nơi xây dựng ATK Trung Bộ, nhân dân Hương Khê sớm được hưởng những quyền lợi do cách mạng đem lại.
Hương Khê có điều kiện để xây dựng cuộc sống mới cho đồng bào các dân tộc.
Hệ thống trường lớp giáo dục phổ thông được lập ra ở nhiều nơi trong huyện. Cùng với việc lập ATK ở Hương Khê, trường Kĩ nghệ thực hành với 20 học sinh đặt ở Phúc Đồng và trường Trung học Hương Khê – Bình - Trị - Thiên đặt tại xã Gia Phố được thành lập. Dưới sự dìu dắt của cán bộ, thầy cô giáo, trường Trung học Bình - Trị - Thiên được thành lập và dần đi vào ổn định. Thực hiện chủ trương cải tổ giáo dục của Hội đồng giáo dục Trung ương, Liên khu uỷ chỉ thị về “Việc lãnh đạo giáo dục (9/1950), về “Việc cải tổ giáo dục ” (10/1950) nêu nhiệm vụ làm cho cán bộ, Đảng viên, nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của cải cách giáo dục. Sau cuộc vận động thực hiện cải cách giáo dục (9/1950) thì số trường, số lớp học ở Hương Khê được mở rộng, góp phần nâng cao dân trí cho nhân dân.
Chính quyền kháng chiến đã giúp đỡ ngành Y tế cung cấp thuốc men…đáp ứng nhu cầu trong nhân dân do có ngành thuốc nam phát triển trong vùng và xưởng bào chế dược sản xuất ra hàng ngàn viên thuốc tân dược. Xưởng bào chế dược không chỉ cung cấp đủ thuốc cho nhân dân, cho lực lượng vũ trang của huyện mà còn chi viện với số lượng lớn cho tiền tuyến. Phong trào văn hoá, văn nghệ, công tác thông tin tuyên truyền trong vùng ATK được chính quyền địa phương hết sức chú trọng, đem lại cho nhân dân đời sống tinh thần phong phú, sôi nổi và lành mạnh.
ATK Trung Bộ ở Hương Khê làm tròn vai trò hậu phương kháng chiến. Thời gian đàu mói thành lập, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhân dân Hương Khê giàu truyền thống cách mạng đã không tiếc công, tiếc của, đóng góp hàng chục vạn ngày công, hàng triệu cây tre, nứa, lá, gỗ… để xây dựng nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung Bộ, xây dựng kho tàng, nơi ở cho đồng bào tản cư từ Bình - Trị - Thiên ra… Khi chưa kịp xây dựng lán trại, nhân dân Hương Khê sẵn sàng nhường nhà của mình làm trụ sở cơ quan, nơi ở cho cán bộ hoặc làm kho của Nhà nước trong suốt thời kỳ kháng chiến. Hàng trăm gia đình tự nguyện nhận cán bộ và đồng bào tản cư về nhà mình. Đã có hàng nghìn người bao gồm cán bộ, học sinh, kỹ sư, công nhân kỹ thuật từ Bình - Trị - Thiên ra Hương Khê, trong đó có những nhà khoa học nổi tiếng như giáo sư Phạm Đình Aí - người chế tạo thành công a-xít Axitsunfurich đầu tiên ở nước ta.
Cuối năm 1947, khi ta đang trong thế cầm cự với địch chuẩn bị cho kháng chiến, theo lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh "tiêu thổ kháng chiến", Người vạch rõ: “Đánh thì phải phá hoại, phá sao cho bọn Pháp không lợi dụng được, phá đi để chặn chúng lại, không cho chúng tiến lên”[3]. Hương Khê lại triệt để thực hiện tiêu khổ kháng chiến để bảo vệ an toàn cho các ATK và địa phương. Nhân dân đã phối hợp với thanh niên đã phá các nhà kiên cố, nhà ga, tất cả đường sắt từ Thanh Luyện đến Phú Lễ, đường cáp treo bị đánh sập. Đặc biệt, nhân dân đã phá đường bộ, đường sắt từ Quảng Bình ra Hương Khê để cho giặc Pháp không thể sử dụng cơ động binh lực. Nhiều ụ đất, chông tre từ các hướng đường vào Hương Khê đều được dựng lên. Hành động kiên quyết tiêu thổ kháng chiến đó đã biểu thị cao độ quyết tâm kháng chiến bảo vệ ATK của nhân dân Hương Khê.
Từ tháng 4/1947, Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh đã khẳng định: Quảng Bình, Hà Tĩnh cùng trên một dải đất trong một hoàn cảnh chung, chung một nhiệm vụ mà Quảng Bình là tiền tuyến, Hà Tĩnh là hậu phương. Đánh mạnh vào quân địch ở Quảng Bình tức là giữ vững Hà Tĩnh, huy động mọi mặt ra trước mặt trận[4]. Từ đó, Hương Khê với vai trò là hậu phương của cả tỉnh đã tập trung ủng hộ quyên góp nhân dân Quảng Bình.
Để kịp thời phục vụ các công xưởng hoạt động, vận chuyển tiếp tế cho các mặt trận, giữa năm 1948, nhân dân Hương Khê với 1.000 dân công, công nhân đã được huy động để làm đường goòng từ ga Thanh Luyện (Hương Khê) vào Đò Vàng (Tuyên Bắc-Quảng Bình) dài 30 km. Trong quá trình xây dựng con đường goòng này nhiều người dân Hương Khê đã hy sinh. Sau 3 tháng gian khổ, khẩn trương, ngày 10/8/1948, cùng một lúc hai đầu máy BTT1 và BTT2 (đầu máy cải tiến từ đầu xe ôtô) đã vận chuyển được trên đường sắt Thanh Luyện-Đò Vàng, vận chuyển chuyến hàng tình nghĩa đầu tiên của nhân dân Thanh- Nghệ -Tĩnh gửi vào tiền tuyến Bình - Trị - Thiên. Nhờ có đường goòng này nên hàng từ Liên khu 4 chuyển vào Quảng Bình và Trị - Thiên được nhanh hơn, tiết kiệm được hàng vạn dân công, chi phí vận chuyển mỗi tấn hàng từ 12000 đồng giảm xuống 170 đồng. Tính đến cuối năm 1948, tuyến đường goòng Hương Khê-Quảng Bình đã chuyển vào Bình-Trị-Thiên 400 tấn gạo, 12 tấn đường, 20 tấn bông, 900m vải. Nhân dân Hương Khê đã nỗ lực để những chuyến hàng đó vận chuyển an toàn và nhanh nhất cho tiền tuyến. Tuyến đường goòng Hương Khê đã nối liền vùng tự do với chiến trường Bình-Trị-Thiên. Với hệ thống đường goòng, vũ khí, đạn dược, quân trang và chiến sĩ được vận chuyển vào Quảng Bình, sang Trung Lào. Với những kết quả to lớn đó nên năm 1949, xí nghiệp Đường goòng Hương Khê là đơn vị đầu tiên ở Thanh - Nghệ - Tĩnh được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Trươi, rào Nổ đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, hàng hóa từ ATK ra đường gòong rồi vận chuyển ra Vinh, Thanh Hóa, vào chiến trường Bình - Trị - Thiên và ngược lại. Lực lượng dân công Hương Khê chủ yếu tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường. Hàng ngàn dân công Hương Khê và huyện bạn đã vận chuyển bằng nhiều phương tiện từ chợ Trúc, Địa Lợi, Chu Lễ (Hương Khê) vào chợ Sòng, Khe Nét, Minh Cầm (Quảng Bình) từ đó cung cấp nhiều vũ khí, lương thực cho tiền tuyến Bình - Trị - Thiên và chiến trường Trung Lào.
ATK Trung Bộ ở Hương Khê góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào. Sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám, Liên Khu 4 được Trung ương Đảng giao cho nhiệm vụ phối hợp với quân, dân các tỉnh Trung Lào kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo đó, Liên Khu 4 đã cử nhiều đơn vị sang Lào phối hợp với lực lượng du kích để chiến đấu. Nhân dân Hương Khê đã động viên con em lên đường nhập ngũ bổ sung vào biên chế các đơn vị sang chiến đấu ở Lào.
Năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào có bước phát triển mới. Hương Khê thực sự là một hậu cứ vững chắc cho lực lượng kháng chiến của tỉnh Khăm Muộn. Với sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân Hương Khê, tháng 4-1950, Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Lào được khai mạc tại Trúc Lâm (Hà Linh). Tại Đại hội có ban đại diện của Bộ và các tỉnh Trung Lào cùng ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bàn kế hoạch phối hợp tác chiến mặt trận Trung Lào. Đại hội đã tán thành lập liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào nhằm tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến tới thắng lợi; quyết định lập Mặt trận Lào Itxala. Như vậy, Hương Khê là một trong những nơi đứng chân cho lực lượng Itxala (Lào) trong những ngày đầu kháng chiến.
Thấu triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là mình tự giúp mình” Đảng bộ Hương Khê đã chỉ đạo nhân dân đón tiếp nhiều các bộ cao cấp của Đảng cách mạng Lào sang công tác, dưỡng bệnh, chăm sóc rất chu đáo; nhân dân Hương Khê tiếp tục động viên con em tham gia các đơn vị tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào.
Trong Chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954, Đảng chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược. Trung Lào là một trong những hướng chính tiến công chiến lược của quân ta. Thực hiện chủ trương của Đảng, tháng 12/1953, liên quân Lào - Việt mở chiến dịch Trung Lào để phá tan khối quân cơ động chiến lược tập trung của Pháp.
Hương Khê tiếp tục thể hiện vai trò hậu phương và thắt chặt thêm mối liên minh chiến đấu Việt - Lào trong chiến dịch Trung Lào. Nhân dân Hương Khê tham gia mở đường vận chuyển lương thực, thực phẩm trên dọc tuyến đường biên giới chuẩn bị cho chiến dịch lớn.
Trong chiến dịch Trung Lào, Hương Khê cùng với các huyện khác trong tỉnh đã đảm nhận 5.944.865 ngày công, số vật chất cung cấp bộ đội dân công là 3.409 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.102 con trâu, bò, cấp phát 50 tấn vũ khí, đạn dược. Số vũ khí, quân trang, quân dụng được địa bàn tập kết tại Hương Khê. Lực lượng của Đại đoàn 325 và Đại đoàn 304 với tổng quân số 10. 000 đểu tập kết tại Hương Khê để nhận quân trang, quân dụng, dưỡng sức trước khi vượt đèo Trìm trẹo vào đất Lào chiến đấu. Nhân dân Hương Khê đã tham gia vào đội dân công hỏa tuyến xây dựng nhiều trạm vận chuyển. Tính trung bình cả tỉnh có 56.000 thanh niên xung phong và dân công, trong đó có 28.300 người trực tiếp chiến đấu trên đất Lào[5]. Trong chiến dịch Trung Lào, nhân dân Hương Khê đã nô nức ghi tên tòng quân tham gia trên chiến trường.
Trong và sau chiến dịch Trung Lào, nhân dân Hương Khê tiếp đón thương binh của các đơn vị tình nguyện chiến đấu ở Lào, trong đó có nhiều thương binh, nhân dân Lào về chữa trị và chăm sóc.
Ngày 7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Theo đó, lực lượng vũ trang Trung Lào phải tập kết về tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Phôngxalỳ. Để bảo đảm bí mật về lực lượng kháng chiến, Tiểu đoàn 1 Trung Lào (quân Pathet Lào) được lệnh theo Đường số 12, vượt biên giới Lào - Việt vào Hương Khê (Hà Tĩnh), tiến ra Nghệ An, Thanh Hóa, vượt biên giới Việt - Lào về Sầm Nưa. Tại Hương Khê, Tiểu đoàn 1 Trung Lào được nhân dân đón tiếp nồng hậu, cung cấp lương thực, thực phẩm…tạo mọi điều kiện để các chiến sĩ Pathet dưỡng sức trước khi lên đường hành quân ra về vị trí tập kết. Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Khê còn đón tiếptận tình một số con em Lào đi theo Tiểu đoàn 1 Trung Lào về khu vực tập kết.
Như vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Khê đã thực hiện nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến Bình - Trị - Thiên và các chiến trường khác cùng với thự hiện nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào. Tinh thần dân tộc và tinh thần quốc tế cao cả quyện chặt trong những hoạt động quân dân Hương Khê mang lại hiệu quả cao cho cuộc kháng chiến của hai dân tộc cùng chống một kẻ thù chung, vì độc lập tự do của mỗi nước, góp phần làm phong phú quan hệ đặc biệt Việt - Lào. ATK Trung Bộ được lựa chọn và xây dựng ở Hương Khê trong điều kiện lịch sử lúc đó là quyết định hoàn toàn đúng đắn, kịp thời và là nét sáng tạo độc đáo của Đảng.
[1] . Ty Văn hoá-Thông tin Hà Tĩnh, Chuyện kháng chiến Hà Tĩnh, tập 3, NXB Ty Văn hoá-Thông tin, 1975, tr. 10.
[2]. Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh (1998), Hà Tĩnh 30 năm kháng chiến (1945-1975), tr 61- 62.
[3] . Hồ Chí Minh toàn tập (1990), tập 4, NXB Chính trị quốc gia, tr 49.
[4] .Ban chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh-Tỉnh Hà Tĩnh, Lịch sử Đoàn và phong trào thanh niên Hà Tĩnh, 1997, NXBChính trị quốc gia Hà Nội.
[5]. Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Na Tỉnh Hà Tĩnh (1993), Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, tập I, (1930 – 1954), NXB, Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 283.
Th.S. Đoàn Minh Điền – Bí thư Đảng bộ Trường THPT Hàm Nghi
Th.S. Nguyễn Thị Thu Hòa – GV Trường THPT Hương Khê