1. Vị trí địa lý:
Huyện Hương Khê nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh, với vị trí khoảng 18o23’ vĩ Bắc, 105o 27’ kinh Đông. Phía bắc giáp huyện Đức Thọ, phía đông giáp huyện Thạch Hà và huyện Can Lộc, phía đông nam giáp huyện Cẩm Xuyên, phía nam giáp huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình), phía tây giáp tỉnh Khăm Muộn (Lào), ngăn cách bởi núi Giăng Màn (tên chữ là Khai Trướng) thuộc dãy Trường Sơn.
2. Điều kiện tự nhiên:
Địa hình Hương Khê có nhiều hình thái đan xen, có sông Ngàn Sâu dài khoảng 100km chảy dọc huyện và nhiều sông nhỏ, khe suối, chi lưu. Bao quanh 4 phía của huyện là rừng núi cao, đồng thời có các thung lũng ở giữa theo dọc sông Ngàn Sâu với nhiều cánh đồng đan xen với các cụm, đồi núi nhỏ và trung bình.
Khí hậu Hương Khê có 4 mùa, trong đó mùa xuân thường có gió rét, mưa phùn; mùa hè nóng oi bức, có gió Lào; mùa Thu hay bị bão lũ; mùa Đông khô hanh. Bình quân lượng mưa hàng năm là 2.500mm, cao nhất là tháng 9 và tháng 10, có ngày mưa tới 521mm (6/9/1968). Gió đông bắc thường gây mưa phùn, rét, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau; nhiệt độ thấp nhất có lúc tới 50c. Từ tháng 4 đến tháng 8 có gió Lào, nhiệt độ có ngày lên tới 400c.
Sông ngòi, khe suối ở Hương Khê có dộ dốc cao nên hàng năm về mùa mưa thường gây lũ lụt, làm thiệt hại cho mùa màng và đời sống của người dân. Tuy nhiên nó lại tạo thàng một mạng lưới tưới tiêu trong huyện và sinh hoạt của nhân dân trong huyện. Thượng nguồn các con sông có thể xây dựng các đập nước và thuỷ điện nhỏ. Các làng xã hai bên bờ sông Ngàn Sâu là nơi hay bị lũ lụt nhất, song cũng nhận được lượng phù sa màu mỡ bồi đắp, nên rất có điều kiện phát triển sầm uất.
Diện tích tự nhiên của Hương Khê là 1.262,736 km2 (126.273,60ha) (theo niên giám thống kê năm 2015), là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Đất lâm nghiệp là 96.552,89 ha, đất nông nghiệp là 14.327,60 ha, còn lại là đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng.
Lòng đất Hương Khê có một số khoáng sản như mỏ Than ở Động Đỏ (Hà Linh), mỏ Cao Lanh ở Hương Châu (Phúc Đồng), mở phốt phát ở Phú Lễ (Hương Trạch) và mỏ đá vôi kéo dài từ trung huyện đến thượng huyện, nhất là vùng La Khê, Hương Trạch có trữ lượng lớn nhất tỉnh. Đó là những tài nguyên tạo cơ sở cho việc phát triển công nghiệp của địa phương.
3. Tiềm năng, lợi thế:
3.1. Nguồn nhân lực: Tổng số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện: 51.605 người chiếm tỷ lệ 50,1% dân số. Số lao động đã qua đào tạo là 18.084 lao động, số lao động phổ thông là 25.103 lao động. Người dân Hương Khê hiếu học, chịu khó và sáng tạo trong lao động sản xuất.
3.2. Lợi thế về giao thông:
Ga Hương Phố
Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 15. Ảnh Phúc Anh
Hương Khê có đường Hồ Chí Minh chạy qua với chiều dài 46,7km, là huyện nằm trong vùng quy hoạch Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quốc lộ 15 kết nối với Thành phố Hà Tĩnh và khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Khoảng cách từ Hương Khê đến TP Hà Tĩnh là 50km, đến Sân bay Vinh là 80km. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Minh Hóa - Quảng Bình) cách khoảng 80km về phía Tây Nam, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn – Hà Tĩnh) cách 100 km về phía Tây Bắc.
Hệ thống giao thông đường thủy Hương Khê tương đối thuận lợi. Hương Khê có hệ thống đường sắt quốc gia với trên 48 km chạy qua địa bàn, trong đó lớn nhất là ga Hương Phố - điểm dừng của nhiều chuyến tàu trên hành trình Bắc – Nam.
3.3. Nông nghiệp:
Bưởi Phúc Trạch
Gà thả vườn
Cam bù Khe mây
Được xác định là lĩnh vực ưu đãi đặc biệt của huyện. Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hương Khê gồm có: lợn, bò, hươu, gà, bưởi Phúc Trạch, cam các loại, ngô, đậu xanh, chè công nghiệp, gỗ nguyên liệu rừng trồng
Toàn huyện có diện tích tự nhiên là 1.262,736 km2 (126.273,60ha) trong đó đất lâm nghiệp là 96.552,89 ha, đất nông nghiệp là 14.327,60 ha, có điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất phát triển rừng, các vùng cây ăn quả, cây công nghiệp tập trung có quy mô lớn gắn với chế biến. Hương Khê có hai loại cây ăn quả đặc sản đó là Bưởi Phúc Trạch và cam các loại.Tổng đàn các loại vật nuôi chủ lực đều tăng, trong đó đàn bò tăng bình quân hàng năm 5,52%, đàn lợn tăng 13,9%, đàn hươu tăng 35,3%, đàn gia cầm tăng 6,1%; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 46%, tăng 24,6% so với năm 2010.
3.4. Tiềm năng công nghiệp chế biến:
Hương Khê có các sản phẩm gỗ từ rừng, cao su, chè, cam có thể phát triển công nghiệp chế biến.
Thu hoạch mủ cao su
3.5. Tiềm năng thương mại - dịch vụ:
Khách sạn Đức Tài 2. Ảnh: Phúc Anh
Với vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, Hương Khê có điều kiện kết nối với các huyện Vũ Quang (vườn Quốc gia Vũ Quang), Hương Sơn (cửa khẩu quốc tế Cầu treo), Can Lộc (Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc), Thành Phố Hà Tĩnh, Khu Công Nghiệp Vũng Áng, khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (Minh Hóa - Quảng Bình) và nước bạn Lào. Với vị trí địa lý đó, Hương Khê có tiềm năng là một điểm nghỉ chân của khách du lịch và các đoàn xe vận tải, trở thành điểm trung chuyển của các hành trình du lịch kết hợp giữa đường sắt và đường bộ.
3.5 Tiềm năng du lịch:
Thác Vũ Môn gắn với truyền thuyết cá chép hoá rồng. ảnh: Minh Chiến
Thác Vũ Môn nằm trên dãy núi Giăng Màn, về phía Tây Nam huyện Hương khê ở độ cao 1.700m so với mực nước biển. Là địa điểm duy nhất trong cả nước gắn với truyền thuyết cá Chép hóa Rồng của Việt Nam: "Mồng bảy cá đi ăn thề. Mồng tám cá về vượt Thác Vũ Môn". Thác Vũ Môn có 3 cấp nước, mỗi cấp nước có hình chài, dài khoảng 40m, rộng khoảng 20m. Thác Vũ Môn như một dải lụa mềm trắng vắt qua núi tuyệt đẹp và tiếng nước chảy ngân vang khắp một vùng. Ở đây không khí ẩm ướt, quanh năm như chìm trong sương mù, nhiệt độ về mùa hè rất mát mẻ chỉ vào khoảng 20 – 250C, rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm.
Thác Rào Rồng - xã Hương Trạch. Ảnh Minh Chiến
Ngoài ra Hương Khê có thác Rào Rồng, đập Họ Võ, đập Đá Hàn.. có thể phát triển du lịch sinh thái.
Hiện nay, toàn huyện có 16 di tích được xếp hạng (5 di tích cấp quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh). Nhiều di tích được khách trong và ngoài tỉnh biết đến như: Sơn Phòng – Hàm Nghi (xã Phú Gia), Đền Trầm Lâm và Đền Đức Đại Vương ngàn Trụ (xã Phú Gia), Rôộc Cồn (xã Phú Phong); Chùa Vĩnh Đại và đền thờ
Trần Phúc Hoàn tại xã
Hương Vĩnh. Di tích Sở Chỉ Huy tiền phương tổng cục hậu cần, Đoàn 500 (xã Hương Đô), Khu chứng tích chiến tranh Hương Phúc (xã Hương Trạch)....là tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh và du lịch văn hóa – lịch sử...
Phúc Anh- Ban Tuyên giáo Huyện uỷ
(Theo lịch sử Đảng bộ huyện 1930 - 2000 và tài liệu UBND huyện)