Nhà Bái đường
Chuyện dân gian kể lại rằng ngày xưa dân làng đến Giếng Trầm Lâm để tìm hiểu cái giếng thiêng không đáy ( nơi thờ chị bà Đại Càn) đã thả một quả bưởi có đánh dấu, sau 3 ngày quả bưởi nổi lên ở vực Cây Chay, từ đó dân lập đền thờ bà Đại Càn gọi là đền Cơn Chay ( còn có tên gọi khác là Miệu Bà). Đền dựng trên khu đồi rậm rạp, hướng mặt về hướng nam, sát bờ sông Tiêm, nên đường vào đền là một lối nhỏ đi từ phía sau. Vị trí đó đã tạo cho ngôi đền một vẻ u tịch, linh thiêng.
Từ đường lên đền có 7 cấp xây bằng đá ong. Tường phía trước dài 15m, cao 1,5m, có 2 bức phù điêu hình ngựa. Cổng vào rộng 4,5m hai bên có 2 cột nanh cao 6,5m, trước năm 1997 đã gãy 1 cột - năm 1995 mới xây lại, đỉnh mỗi cột nanh được đắp nghê hướng mặt vào giữa, 4 phía là phù điêu rùa đội sen, rồng chầu mây, chim phượng, mình ngựa đầu rồng. Bước qua cổng là Tắc Môn rộng 2,3m, cao1,5m, mặt ngoài có phù điêu 2 rồng chầu lửa, mặt sau mình ngựa đuôi rồng. Sau tắc môn có 2 cột đèn cao 1,7m cột vuông, hộp đèn rỗng có chân đặt nến. Tiếp đến là nhà Bái đường. Bái đường bị hư hỏng từ năm nào không rõ, chỉ còn lại nền xi măng và 18 đá kê chân cột, nền nhà rộng 64,2 mét vuông, có 3 bệ thờ cao mỗi bệ 1,05m. Năm 1997, Bảo tàng Hà Tĩnh cấp kinh phí chống xuống cấp cùng với sự ủng hộ của nhân dân UBND xã Phú Phong đã tìm mua được một ngôi nhà giống hệt như xưa, đồng thời đặt một tấm bia đá trên đó khắc tên 11 liệt sỹ hy sinh trong cuộc biểu tình tại đây. Sau nhà Bái là 3 điện bố trí theo hình chữ Môn. Điện giữa rộng 2,7 mét vuông, cao 2m, điện 2 có diện tích là 2,52 mét vuông, cao 1,95m và điện 3 rộng 2,38 mét vuông, cao 1,95m. Nền cả 3 điện đều được xây 3 cấp. Điện kiểu nhà hộp sàn bằng gỗ, xà ngang, xà dọc kéo dài chạm trổ đầu rồng ngậm hạt ngọc. Xung quanh thưng ván trên đó chạm hình chim phượng cắp cuốn thư, hạc cưỡi lưng rùa, cá chép hoá rồng, hoa văn hoa lá có dáng hoạ tiết thời Lê - Nguyễn cùng với hoạ tiết sóng, mây…tất cả đều sơn son thiếp vàng rất đẹp.
Đồ thờ trong đền có 9 long ngai, 6 mũ cánh chuồn, 6 hộp quả, 2 lư hương bằng gỗ, 9 gươm gỗ, 6 bài vị, 10 đạo sắc của các triều đại phong gồm Thiệu Trị 2 đạo, Tự Đức 2 đạo, Đồng Khánh 1 đạo, Duy Tân 1 đạo, Thành Thái 1 đạo, Khải Định 3 đạo. ( trước đây có 15 đạo do việc hợp tự nên 5 đạo từ đền Nhạ Sơn thuộc xã Hương xuân rước về đây, năm 2011 đền Nhạ Sơn được xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh đã rước trả lại cho đền Nhạ Sơn).
So với các đền ở Hương Khê thì đền Cơn Chay là đền có câu đối nhiều nhất, sâu sắc về ý nghĩa, uyên bác về ngôn từ. Do thời gian dài không được bảo vệ nên hầu hết câu đối bị xước tróc không đọc được nữa cho nên năm 1995 khi lập dự án tôn tạo Ban dự án không thể đưa nội dung câu đối vào bản thiết kế. Đây là một nội dung không thể thiếu vì vậy Uỷ ban nhân dân xã Phú Phong đã tìm rất nhiều cụ cao tuổi để sưu tầm, rất may gặp cụ Nguyễn Văn Thơi nguyên là cán bộ Ty Văn hoá Hà Tĩnh nghỉ hưu. Cụ cho biết hồi nhỏ cụ thường mang vở lên đền tập viết chữ Hán, nên thuộc lòng nhiều câu, cụ đã chép lại cả chữ Hán và dịch nghĩa. Phòng Văn hoá- Thông tin huyện đã xin Bảo tàng Hà Tĩnh thẩm định, Bảo tàng Hà Tĩnh đã gửi đến các cụ thông nho như cụ Thái Kim Đỉnh, cụ Võ Hồng Huy… cho ý kiến. Sau 1 tuần nghiên cứu các cụ đã kết luận thống nhất như bản của cụ Thơi. Đúng là cái thiêng nào cũng được neo đậu ở lòng người, khi cần lại thức tỉnh cho nhân tâm. Xin chép ra 13 cặp câu đối, và 3 bức đại tự như sau:
1/ Tự cổ chu hữu lễ - Vu kìm Phú nhi phong
2/ Tục Tống thiên thu tiêu trụ thạch - Phù Viêm nhất mộng tịnh ba đào
3/ Trạc quyết linh tại thượng tại tả hữu – Mạc trắc giáng sơn như cương lăng
4/ Mặc tưởng huyền cơ lăng vạn nhẫn- Anh linh hiển ứng trạc thiên thu
5/ Mục sở thị thủ sở chỉ kỳ nghiêm- Uy khả tắc nghi khả tượng như tại
6/ Biên cương khổn ngoại can thành tráng- Chung cổ lầu trung khắc lậu trường
7/ Xuất nhập khởi kính giả- Chỉ thị kỳ nghiêm hồ
8/ Phong thuỷ trung gian hảo- Hương hoả vạn niên tân
9/ Bắc triều trung nghĩa thánh – Nam quốc thượng đẳng thần
10/ Tùng thanh, trúc thanh, chung khánh thanh, thanh tự tại – Sơn săc, thuỷ song đài sắc, yên hà sắc,sắc sắc giai phong
11/ Vạn cổ phong sơn chung tú khí- Thiên thu Tiêm thuỷ hiển linh anh
12/ Hách trạc lôi oanh tân vũ trụ- Nguy nga nhật lệ cựu giang sơn
13/ Nguy nhiên chính khí tôn thiên địa- Ngật nhị song đài tráng cổ kim
Và 3 bức đại tự :
Sơn Dục Hà Chung
Dương Tại Thượng
Trạc Quyết Linh
( xin bạn đọc tôi không nêu vị trí đặt và dịch nghĩa các câu đối, Đại tự, có thể tôi sẽ giới thiệu ở một bài viết riêng )
Các vị thần được thờ ở đền Cơn Chay : Do việc hợp tự nên các vị thần thờ ở các đền của xã Phú phong, Xuân Lũng đã rước về thờ ở đây gồm:
Đức thánh Đại Càn
Đức thánh Mẫu Hồ Trung
Đức Bản thổ thành hoàng
Đức thánh Thanh Y ngọc nữ
Đức Phong Sơn khai hoá
Đức thánh Tiêm Giang tế độ thần nữ
Đức Trụ vương linh ứng
Đức tả Thái giám Ngô thượng tướng công
Liệt vị Tôn thần xã Xuân Lũng hợp tự
Liệt vị anh hùng địa phương (các liệt sỹ Rộc Cồn - sẽ nêu ở phần sau)
Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc đền Cơn Chay đã góp phần quan trọng cho các cuộc kháng chiến. Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đây là một trong những nơi tập hợp lực lượng nghĩa quân Hương Khê sung vào đạo quân Tây Sơn để tiến ra bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu - 1789. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp, do vị trí đền Cơn Chay chỉ cách Thành Sơn phòng Phú Gia khoảng 2 km cho nên nơi đây là vị trí ém quân bí mật để bảo vệ vua Hàm Nghi với phương châm “động là lính, tĩnh là dân”, trong số quân đó có ông Nguyễn Kim Giáp được phong chức “ Kiểm”, ông Nguyễn Văn Cung được phong chức “đội”; đồng thời đây cũng là nơi cất giữ lương thực cung cấp cho nghĩa quân trong suốt 10 năm của cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1885-1895).
Đặc biệt trong phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh tại đền Cơn Chay đã xẩy ra một sự kiện lớn. Hồi đó bọn thực dân phong kiến tăng cường đàn áp phong trào cách mạng ở Hương Khê, chúng đã đốt nhà cướp của rất tàn bạo ở Tổng Trại La. Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ, tối ngày 19/4/1931 chi bộ Đảng Phú Phong đã tổ chức cuộc họp ở đền Cơn Chay bàn kế hoạch mít tinh vào sáng 20/4, không may kế hoạch bị lộ bí mật cho nên sáng 20/4 các đồng chí Đảng viên đang chuẩn bị thì bọn lính đồn Chu Lễ đã kéo đến vây bắt một số đảng viên . Trước tình hình đó Huyện uỷ chủ trương tổ chức biểu tình giải vây cho các đảng viên bị bắt. Sau vài giờ khoảng 1500 người các xã Phú Phong, Xuân Lũng, Hương Vĩnh, Lộc Yên, Gia Phố đã có mặt. Hoảng sợ trước sức mạnh quần chúng, bọn lính đã nổ súng vào đoàn biểu tình làm 11 người chết, bị thương nhiều người, bắt 6 người giải về đồn Chu Lễ. Năm 1964 tôi học cấp 3 ở trọ trong nhà ông Nguyễn Kim Triêm (thường gọi ông Đường) là một trong 6 đảng viên bị bắt hồi đó. Một hôm bà Đường vợ của ông Triêm kể lại: Đêm đó (19/4) mình thấy ông đi khuya lắm mới về, biết ông đi làm chi đó cho Cộng sản, nghe nói Cộng sản sẽ đánh đuổi giặc Tây, làm cho dân no ấm, ông đi khuya mình rất lo nhưng không dám hỏi, chừng gà gáy sáng ông lại đi, biết vậy nhưng nỏ dám can, sáng mai đến nửa bựa cày chộ nhiều người chạy từ phía Rộc Cồn xuống, vừa chạy vừa kêu Tây bắt Cộng sản…, mình cũng chạy lên, người thì vác đòn gánh, người vác nọc bò, vên, cuốc ầm ầm vây vùng Rộc Cồn… đến khoảng 11 giờ thấy nhiều người chạy về bê bết máu, mặt mũi tím bầm, có người đánh nhau với nó thân không còn mảnh áo… nhiều người nói ông Đường đã bị bắt. Tôi vừa nghe kể vừa thầm nghĩ câu “ Đảng với dân như cá với nước” quả thật không phải là lời hoa mỹ, mà được đúc kết từ thực tiễn đấu tranh cách mạng đầy cam go, gian khổ của Đảng ta, nhân dân ta. Cuộc biểu tình Rộc Cồn là đỉnh cao tinh thần đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hương Khê trong cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh
Đền Cơn Chay đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia năm 1994.
BÙI NGỌC BÍCH
Khối 2 thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh
Đt: 01688 907 098