Từ sự trăn trở của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và thực tiễn của địa phương; tháng 8/2021, HĐND huyện Hương Khê đã ban hành Nghị quyết 16 về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, hỗ trợ 10 triệu đồng/ 1 mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi từ cây ngô sinh khối bằng phương pháp ủ chua; chính sách này đã thực sự đi vào đời sống của người dân.
Hương Vĩnh là một trong những xã có phong trào trồng ngô sinh khối và có tổng đàn chăn nuôi gia súc lớn. Vì vậy, địa phương này đã đi đầu trong áp dụng mô hình ủ chua thức ăn chăn nuôi.
Ông Bùi Đình Diệu, Bí thư Chi bộ thôn Thuận Trị, xã Hương Vĩnh cho hay “Sau khi có Nghị quyết 16, cán bộ thôn tiếp thu về tuyên truyền tận hộ dân, hiện đã xây dựng được 6 mô hình điểm, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng thêm vì mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế sát thực cho người dân. Nếu sản xuất nhiều mà không có tích lũy thì sẽ rất lãng phí, thiếu thức ăn cho trâu bò trong dịp rét, đó là cái đặc biệt của mô hình ủ chua”.
Huyện Hương Khê có lợi thế, truyền thống trồng ngô sinh khối. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân áp dụng mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi từ cây ngô sinh khối bằng phương pháp ủ chua, phục vụ chăn nuôi trâu, bò. Nhờ có Nghị quyết 16 của HĐND huyện đã góp phần thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi phát triển theo chuỗi liên kết, nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Bà Trần Thị Danh, thôn Thuận Trị, xã Hương Vĩnh nói “Chúng tôi thực hiện ủ chua thức ăn cho trâu, bò dùng ngô và cỏ voi xay ra khối, trộn với bột gạo, muối và men bỏ vào trong bao hơn một tháng thì sử dụng được; trâu, bò rất thích ăn thức ăn ủ chua và phù hợp nhất là thời kỳ vỗ béo. Chúng tôi đã áp dụng mô hình này thấy rất hiệu quả”.
Trước đây, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi phụ thuộc vào mùa vụ và không tận dụng triệt để giá trị của các loại cây trồng; cũng vì không đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi thường xuyên, đầy đủ nên người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ, lẻ.
Từ thực tế đó, với trăn trở, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn; huyện Hương Khê đã có chủ trương khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất ban đầu xây dựng mô hình ủ chua cây ngô sinh khối làm thức ăn phục vụ chăn nuôi; đảm bảo mỗi mô hình chăn nuôi từ 5 con trâu, bò trở lên; cam kết duy trì mô hình tối thiểu trong 3 năm.
Ông Đặng Viết Long Chủ tịch UBND xã Gia Phố khẳng định “Trước đây chăn nuôi gia súc ở địa phương có phần hạn chế, nhưng sau khi có Nghị quyết 16 HĐND huyện ra đời, xã đăng ký triển khai xây dựng được 24 mô hình trên 10 thôn; các mô hình đã có kết quả rất tốt nhờ chủ động nguồn thức ăn; Nghị quyết này rất đúng đắn và phù hợp với nhu cầu và thực tế của nhân dân”
Ủ chua thức ăn chăn nuôi trâu, bò rất thiết thực, dễ thực hiện. Với gia đình thầy giáo Nguyễn Trọng Thành, Trường THCS Gia Phố; hai vợ chồng công chức, viên chức nhưng vẫn tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ tham gia xây dựng mô hình ủ chua, chăn nuôi thêm trâu, bò để tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Thầy giáo Nguyễn Trọng Thành, thôn Tân Phố, xã Gia Phố cho biết “Trước đây gia đình tôi chăn nuôi từ 1 đến hai con, vì tính chất công việc không có nhiều thời gian, không chủ động được nguồn thức ăn cho trâu bò nhưng từ khi áp dụng biện pháp khoa học, kỹ thuật ủ chua thức ăn chăn nuôi, chủ động hơn nguồn thức ăn nên tôi đã tăng tổng đàn lên 5 con và thấy rất thuận lợi trong chăn nuôi; tôi nghĩ rằng tôi đã làm được thì ai cũng làm được”
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 16, nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình ủ chua cây ngô sinh khối đã được HĐND huyện Hương Khê 2 lần điều chỉnh và gia hạn qua 2 nghị quyết 26 và 36 năm 2022. Điều đó khẳng định, sự quyết tâm và kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền huyện Hương Khê khi triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Ông Lê Ngọc Huấn, TUV, Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện Hương Khê cho biết thêm: “Để phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, lao động và điều kiện tự nhiên, xã hội địa phương. Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đã lãnh đạo, chỉ đạo HĐND, UBND huyện ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết 16 về hỗ trợ sản xuất và chăn nuôi; trong đó có hỗ trợ 10 triệu đồng/ mô hình ủ chua thức ăn chăn nuôi để hộ dân đầu tư máy cắt, bao đựng… Nghị quyết này hỗ trợ người dân trong chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển”.
Đến nay, toàn huyện Hương Khê đã xây dựng 221 mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi từ cây ngô sinh khối bằng phương pháp ủ chua. Ngoài ra, nhiều hộ dân không đảm bảo các điều kiện về chuồng trại, quy mô tổng đàn theo yêu cầu để hưởng lợi nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết nhưng vẫn học hỏi, áp dụng phướng pháp ủ chua thức ăn phục vụ chăn nuôi. Góp phần nâng tổng đàn trâu, bò toàn huyện từ 32 nghìn con lên 33 nghìn con sau một năm thực hiện Nghị quyết. Điều ý nghĩa hơn, khi phong trào này đang được áp dụng rộng rãi và tạo ý thức, thành thói quen với người dân Hương Khê trong phát triển sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cho hiệu quả cao.