BÁNH TRÔI NƯỚC – TỪ NHỮNG CÁCH ĐỌC
Phan Thị Thanh Thủy
Khi một tác phẩm văn học luôn trở thành đối tượng khám phá của nhiều thế hệ, thì tự thân nó là một giá trị vượt thời gian. Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương là một kiểu dạng như thế. Dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bài thơ vịnh vật đa nghĩa này thực sự cuốn hút người đọc về những điều còn tiềm ẩn.
Góc nhìn truyền thống
Coi bài thơ mang tính bi kịch
Ca dao, khi nói về người phụ nữ, rất hay dùng cụm từ thân em. Thân em, dù thơm tho, đẹp đẽ như cây quế, như tấm lụa đào đi chăng nữa thì cũng phải chấp nhận sự định đoạt của số phận, chứ chưa nói là như hạt mưa sa, như trái bần trôi… Có lẽ bị ám ảnh từ bi kịch ấy, nhiều bạn đọc khi tìm hiểu cụm từ thân em trong bài thơ Bánh trôi nước đã nghĩ đến dấu vết ảnh hưởng của ca dao. Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập một đã có bài tập luyện tập: “Hãy ghi lại những câu hát than thân đã học ở Bài 4 (kể cả phần Đọc thêm) bắt đầu bằng hai từ “Thân em”. Từ đó, tìm mối liên quan trong cảm xúc giữa bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương với các câu hát than thân thuộc ca dao, dân ca” [1, 76]. Sách Thiết kế dạy học Ngữ văn 7 nêu mục tiêu dạy học: “Qua nghệ thuật ẩn dụ tài tình trong phạm vi một bài thơ tứ tuyệt cô đọng, hàm súc, học sinh hiểu được thân phận chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến” [2, 35]. Với cách nhìn tương tự, Ngữ văn 7, tập một (sách giáo viên) đã viết: “Hồ Xuân Hương đã thể hiện thái độ vừa trân trọng đối với vẻ xinh đẹp, phẩm chất trong trắng, son sắt, thủy chung, vừa cảm thương cho thân phận chìm nổi, bấp bênh, bị lệ thuộc vào xã hội của người phụ nữa xưa” [3, 77]. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, khi mà người tiếp nhận coi người phụ nữ trong bài thơ đã cam chịu bi kịch của thân phận.
Cũng bởi thân em được hiểu theo nghĩa bi kịch nên hình ảnh chìm, nổi, rắn nát hiện lên trong hai câu thơ 3, 4 được nhìn nhận như một minh chứng cho số phận thống khổ của người phụ nữ:
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Có cách hiểu này, bởi bài thơ đã được nhìn như một mạch tự sự thống nhất: từ giới thiệu vẻ đẹp hình thức, nói về bi kịch cuộc đời đến khẳng định vẻ đẹp phẩm giá của em. Theo đó, hiển nhiên em sẽ là một nhân cách đại diện, mang đặc điểm chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến với khát vọng bảo vệ phẩm giá. Từ đó, có thể thấy việc người ta bộc lộ sự cảm thương đối với hình ảnh người phụ nữ được nói tới trong bài thơ cũng lẽ thường tình.
2. Coi Bánh trôi nước là một bài thơ sex
Tác giả Vũ Bình Lục nêu cách hiểu khá khác biệt của mình: “Chúng tôi cho rằng bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương đơn giản chỉ là bài thơ tình, nói về vẻ đẹp của “cặp tuyết lê”, hay là đôi gò bồng đảo của người phụ nữ, theo đó là những cảm xúc ái tình chân thực, có pha chút trào phúng nhẹ nhàng “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn / mà em vẫn giữ tấm lòng son””. Từ cách hiểu đó, ông cho rằng sách giáo khoa Ngữ văn 7 “vẫn bảo thủ” và ông đã có bài phản biện, được đăng trên tạp chí Tri thức trẻ của báo Tiền Phong. Ông khẳng định: “Lúc đầu cũng có một số bạn đọc chưa đồng thuận, là vì nó quá bất ngờ. Nhưng rồi khi đã nhận thấy nó hợp lý, hầu như không thấy ai nói thêm gì nữa. Đài TNVN cũng đã phát đi phát lại bài viết của chúng tôi?” [4].
Thiết nghĩ, dù bài thơ có nhiều tầng nghĩa, nhưng ở ngay nhan đề bài thơ, tác giả đã mặc định đó là bánh trôi nước, thì điều ta hình dung trước tiên phải là hình ảnh chiếc bánh trôi. Từ tầng nghĩa thứ nhất, ta mới tìm nét tương đồng, để hiểu bài thơ theo tầng nghĩa ẩn dụ. Nhưng khi bài thơ Bánh trôi nước được coi là bài thơ tình, nói về vẻ đẹp của “cặp tuyết lê”, hay là đôi gò bồng đảo của người phụ nữ, thì trong liên tưởng, ta không nhận thấy tính tương đồng với hình ảnh Bảy nổi ba chìm với nước non – một chi tiết rất quan trọng nói về quy trình làm bánh trôi. Vậy đây có phải là cách hiểu áp đặt và khiên cưỡng hay không?
Khi bài thơ Bánh trôi nước được coi “là bài thơ tình, nói về vẻ đẹp của “cặp tuyết lê”, hay là đôi gò bồng đảo của người phụ nữ”, thì rõ ràng bài thơ vẫn được hiểu theo nghĩa bi kịch – một bi kịch của sự không đồng thuận, khi mà thân em bị rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, hoàn toàn không làm chủ được bản thân bởi yếu tố khách quan.
Góc nhìn khác
1. Bài thơ không mang tính bi kịch
Cụm từ Thân em là chỉ hình hài, vóc dáng, không nằm trong mối liên hệ với những bài ca dao than thân. Thân em đích thực là một vẻ đẹp hình thức qua cách “khoe mình” đầy tự hào của em:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Tính từ miêu tả đầy gợi cảm “trắng”, “tròn” cùng cách điệp phó từ “vừa”, vế sau sử dụng hai phó từ liên tiếp “lại”, “vừa” đã tạo nên nốt nhấn để khẳng định vẻ đẹp bất biến về ngoại hình của em. Bài thơ có đề cập đến bi kịch trong sự gian nan vất vả, lận đận và sự trói buộc, định đoạt của chế độ nam quyền:
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng đó chỉ là cái cớ để em bộc lộ thái độ sống một cách rõ ràng nhất. Dù có bi kịch, nhưng em đã vẫy vùng để thoát vượt ra ngoài bằng nghị lực bản thân, cốt sao giữ tấm lòng son. Như thế, bi kịch đối với em đã trở nên vô nghĩa. Với cách thức sử dụng chuỗi quan hệ từ “mặc dầu”, “mà”, “vẫn” diễn ra liên tiếp, như thế liệu sự cứng cỏi, rắn rỏi, quyết đoán có tương phản với vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, thuần khiết của em? Không hề gì, trái lại, điều đó khiến người đọc thêm khâm phục vẻ đẹp của một bản lĩnh đang thách thức hoàn cảnh. Trong xã hội ấy, nếu không như vậy thì đâu bảo vệ được phẩm giá của mình. Chính sự mạnh mẽ ấy đã làm cho bi kịch chìm lặn đi, tạo nên mạch thơ đầy sức sống, tôn lên vẻ đẹp tâm hồn em. Sáng tạo nên một hình thức kết cấu độc đáo: mở đầu tác phẩm là vẻ đẹp hình thức (Thân em vừa trắng lại vừa tròn), kết thúc là vẻ đẹp phẩm giá (Em vẫn giữ tấm lòng son), em thật trọn vẹn và hoàn hảo!
Bài thơ khép lại nhưng vẻ đẹp trắng trong, son sắt mãi mãi lan tỏa giữa cuộc đời, bởi thái độ sống chủ quan đã vô hiệu hóa yếu tố khách quan, để em được sống đúng nghĩa là em, không thể gì trói buộc.
Tìm hiểu bài thơ theo mạch cảm xúc trữ tình với hình thức kết cấu đầu cuối tương ứng và chuỗi quan hệ từ đặc sắc của một tài năng nghệ thuật, thì dù có dấu hiệu bi kịch (câu 3, 4), nhưng nó đã bị chìm xuống, khi em đang đang hiển hiện trong niềm tự hào về một vẻ đẹp hình thức được tạo hóa ban tặng và một vẻ đẹp tâm hồn biết đấu tranh bảo vệ nhân phẩm. Vì thế, bài thơ không mang tính bi kịch, trái lại, nó là hiện thân cho sức sống tiềm tàng của em khi đối mặt với hiện thực nghiệt ngã.
2. Bài thơ thể hiện cái tôi mạnh mẽ của chính nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Từ bánh trôi nước, một món ăn dân giã, truyền thống của người Việt, Hồ Xuân Hương đã thể hiện một nội dung tương đồng, mang nghĩa ẩn dụ - hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, nhưng lại có nét riêng đầy cá tính, nằm ngoài chuẩn mực xã hội mà bà đang sống.
Hồ Xuân Hương, một nữ sĩ tài ba, với cá tính sáng tạo của mình đã biết cách mượn thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật cổ điển, nghiêm trang, khuôn phép để bộc lộ một thái độ sống mạnh mẽ, một sự bứt phá dữ dội đầy tính hiện đại. Một vẻ đẹp vượt ra ngoài giới hạn, luật lệ của nó để sống bằng ý thức cá nhân, bằng bản ngã của mình!
Với Hồ Xuân Hương, một cá tính mạnh mẽ, thì cái tôi không ẩn dấu. Điều này thể hiện rất rõ trong Mời trầu:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.
Một người con gái mảnh mai, đứng trước bao quyền lực, đã dùng quạt để Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa. Người đó dám nhấn cả đám mày râu rạp xuống dưới câu thơ: Chành ra ba góc da còn thiếu, hay dám khích bác Chúa dấu, vua yêu một cái này, thì cớ chi phải ẩn mình? Sự đụng chạm hầu như không sót xó xỉnh nào: cõi Phật (Động Hương Tích), cung trăng (Vấn nguyệt), bất chấp tuổi tác (Đá Ông Bà Chồng)…. đủ cho ta nhận thấy một nét tính cách rất bướng bỉnh, hiếm thấy của người phụ nữ trong mớ dây nhợ ràng buộc của đạo đức phong kiến.
Tiếp cận bài thơ Bánh trôi nước, người đọc cũng phần nào hình dung được khát khao sống mãnh liệt, dâng hiến tận cùng cái đẹp cho cuộc đời của nhân vật trữ tình. Đó chính là vẻ đẹp của cái tôi không trộn lẫn, khi tâm hồn Hồ Xuân Hương luôn mang hơi thở mới cho cuộc đời. Người đời luôn trân trọng và ngưỡng mộ Hồ Xuân Hương, người với nhiều bài thơ của mình, đã bắc được nhịp cầu nối hai thời đại thi ca! Bởi vậy, bài thơ Bánh trôi nước nói riêng, cũng như những sáng tác của bà đã luôn sống mãi cùng bạn đọc.
*
Đến với thơ Hồ Xuân Hương, người đọc phải sẵn sàng một tâm thế đón nhận sự phong phú, đa dạng trong cách thể hiện. Ẩn trong lớp vỏ khi thanh khi tục, khi dịu dàng khi mạnh mẽ là cả một cá tính riêng biệt làm nên nét độc đáo của thơ bà và của chính bản thân bà. Một sự quẫy đạp đầy tính bứt phá trong thơ nữ sĩ đã khơi dậy ở người đọc một ý thức sống mạnh mẽ, luôn thể hiện bản lĩnh trước mọi sự dồn ép của ngoại cảnh. Một Bánh trôi nước vẻn vẹn hai tám chữ, rất cụ thể nhưng cũng đầy tính khái quát đã giúp người đọc hiểu con người và thơ Hồ Xuân Hương. Quả không sai khi bà được mệnh danh Bà chúa thơ Nôm!
CHÚ THÍCH
Nguyễn Khắc Phi (tổng chủ biên, 2015), Ngữ văn 7, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
Trương Dĩnh (2016), Thiết kế dạy học Ngữ văn 7 theo hướng tích hợp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên, 2015) Ngữ văn 7, tập một, Sách giáo viên, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
Vũ Bình Lục,
http://www.trannhuong.top/tin-tuc-4029/banh-troi-nuoc-cua-ho-xuan-huong-mot-bai-tho-sex-dat-gia.vhtm