Huyện Hương Khê trường kỳ kháng chiến
Huyện Hương Khê mới được thành lập cách đây gần 155 năm. Song Hương Khê đã tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam, trong lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm, từ thời khởi thủy cho đến hiện nay. Vùng đất Thổ Hoàng - Hương Khê xưa là địa đầu biên ải phía Tây Nam của đất nước Đại Việt độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc. Cho đến bây giờ, trên địa bàn Hương Khê còn in dấu những sự kiện lịch sử triều đại Nhà Lý, Trần, Lê. Đền Tam Tòa ở xã Lộc Yên tôn thờ Lý Nhật Quang - người Triều Lý cai quản đầu tiên của Châu Hoan - Xứ Nghệ; dấu tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV của anh hùng dân tộc Lê Lợi; con cháu vua chúa Nhà Trần ở làng Tri Bản (Hòa Hải); những câu chuyện về người dân Hương Khê tham gia nghĩa quân anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ thời Tây Sơn v.v... còn lưu mãi trên vùng đất và trong trương truyền của người dân Hương Khê.
Tháng 11 năm 1867, nhằm tháng 10 năm Đinh Mão, vua Tự Đức cho thành lập huyện Hương Khê trên cơ sở lấy 2 tổng Thổ Hoàng, Thổ Lội ở huyện Hương Sơn chia làm 3 tổng là Phương Điền, Chu Lễ và Phúc Lộc, đổi tổng Bảo Khê thành Hương Khê cùng tổng Qui Hợp, tất cả có 5 tổng. Sự kiện trên đây đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng cho một thời kỳ phát triển mới của Hương Khê. Chỉ 17 năm sau khi được tách riêng thành một huyện, Hương Khê đã trở thành một địa bàn chống Pháp nổi tiếng bậc nhất trong cả nước thời bấy giờ. Dân Hương Khê đã “bám tru, bán rọong, bán nương” để xây dựng căn cứ Sơn Phòng cho vị vua yêu nước Hàm Nghi như một “thủ đô kháng chiến” có chợ huyện, có phố, có dinh. Căn cứ Vụ Quang với khởi nghĩa Phan Đình Phùng là cuộc khởi nghĩa vang dội trong cả nước. Vùng đại ngàn Hương Khê vang mãi chiến công oanh liệt của nghĩa quân Phan Đình Phùng - Cao Thắng ở Bãi Ma (Hà Linh), Tri Bản - Chợ Nổ (Hòa Hải), đặc biệt là chiến thắng Vũ Quang tháng 10 năm 1894.
Ngày từ đầu năm 1930, ở Hà Linh - Hương Khê, chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được thành lập và ngày càng phát triển khắp cả huyện, lãnh đạo nhân dân đấu tranh qua các phong trào, tiến lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám của dân tộc Việt Nam. Làng Tri Bản (Hòa Hải ngày nay) với An Toàn Khu (ATK) của Liên Khu IV cùng các làng quanh Rào Nổ xuôi xuống hạ huyện là căn cứ địa hậu phương cho Bình Trị Thiên khói lửa thời 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Đến thời chống Mỹ oanh liệt, Hương Khê là cửa ngõ, là hành lang quan trọng của đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh, mạch máu giao thông chiến lược từ Bắc vào Nam với những “tọa độ lửa” cầu phao Địa Lợi, ngầm Lộc Yên, cầu Đá Lậu, khe Ác, La Khê... Hương Khê là địa bàn đứng chân của bao đơn vị bộ đội, nơi đóng Chỉ huy sở Tiền phương của Tổng Cục Hậu cần, của Bộ Tư lệnh 559 - Trường Sơn... Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc”, nhân dân Hương Khê cùng cả nước vượt qua mọi gian lao thử thách, vừa chiến đấu kiên cường vừa tích cực lao động sản xuất, giữ vững vị trí vừa là hậu phương vững chắc, vừa là tiền tuyến, trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Lớp lớp con em Hương Khê đã lên đường tiến ra mọi mặt trận, trong đó đã có 1.780 anh hung liệt sỹ đã ngã xuống trên các chiến trường; hơn 12 ngàn người đã mất mát một phần cơ thể hoặc mang trong mình bao thứ bệnh do hậu quả chiến tranh. 125 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, song sự cống hiến lớn lao, sự chịu đựng mất mát, thương đau đến quặn héo ruột gan, còn đọng lại trong hàng ngàn người mẹ, người vợ, người chị, người em khác. Sự hy sinh cao cả của toàn dân Hương Khê trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực, đã góp phần to lớn vào truyền thống hào hùng của dân tộc, của quê hương, đất nước.
Bi thảm của chiến tranh:
Những năm 1965 - 1966, bị thất bại liên tiếp và nặng nề của cuộc chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ đã đem hàng vạn quân chiến đấu chủ lực vào chiến trường miền Nam. Đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Xã Hương Phúc và Hương Trạch (nay là Xã Hương Trạch) là điểm tận cùng của miền Tây - Nam huyện Hương Khê, giáp với tỉnh Quảng Bình; là điểm giáp ranh, tập kết hàng hoá, kho tàng vũ khí quân sự, là điểm dừng chân của bộ đội chủ lực trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam. Nơi đây có Quốc lộ 15A và đường mòn Hồ Chí Minh đi qua, là con đường chiến lược quan trọng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Với vị trí chiến lược, trọng yếu như vậy, cho nên đế quốc Mỹ đã phải sử dụng sức mạnh của bom đạn để tàn phá mảnh đất và con người ở đây. Những trận mưa bom, bão đạn đế quốc Mỹ liên tục được ném xuống, ruộng đồng, nhà cửa, làng mạc bị cày nát bởi bom đạn.
Nổi đau thương tột cùng của quân và dân Hương Khê khi đang chung tay chống mỹ cứu nước; vào lúc 16 giờ ngày 9/2/1966: Nơi đó, là lán học sinh đầy ắp tiếng cười, tiếng học bài con trẻ; một tốp máy bay giặc Mỹ đã ném hàng trăm quả bom xuống khu vực xã Hương Phúc, có 6 quả bom rơi vào khu vực nhà trường; toàn bộ ngôi trường 2 gian bị bom Mỹ phá huỷ hoàn toàn, lớp học biến thành hố bom sâu; trong đó có 2 quả rơi trúng vào lớp 5A; các quả bom khác rơi xuống hầm trú ẩn, sách vở, giấy bút, dụng cụ học tập đều bị phá huỷ, nhuốm máu, vương vãi khắp nơi. Trường học các Em đã bị bom mỹ phá huỷ, thành 02 hố bom sâu nghi ngút, ngập tràn khói bom; không khí tràn ngập tang tóc, đau thương, xót xa, uất hận.
Trường cấp 2 Hương Phúc sau khi bị bom Mỹ ném trúng ngày 9/2/1966
Sau tiếng bom dứt, lực lượng bộ đội, dân quân du kích, thầy cô giáo cùng nhân dân địa phương đã đến đào bới tìm kiếm. Tổng số có 33 học sinh đã bị chết tại chỗ, 24 học sinh và thầy giáo Thái Văn Nhậm bị thương đã được cấp cứu kịp thời. Hầu hết các em học sinh đều tuổi măng non.
Tin giặc Mỹ giết hại học sinh trường cấp 2 Hương Phúc được truyền đi rất nhanh, gây nên một làn sóng căm phẫn trong nhân dân cả nước và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Sự căm thù giặc Mỹ xâm lược đã trở thành một làn sóng mạnh mẽ, rộng khắp với các hoạt động phản đối chiến tranh, đòi đế quốc Mỹ cút khỏi Việt Nam.
Ngày 12/2/1966, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức mít tinh, gửi kiến nghị lên Chủ tịch hội nghị Giơ- ne- vơ yêu cầu có biện pháp đòi đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh. Giáo viên học sinh toàn miền Bắc lúc đó đã để tang học sinh Hương Phúc bị giết hại. Ngày 13/2/1966, Bộ ngoại giao nước ta đã ra tuyên bố cực lực lên án hành động vô nhân đạo tàn sát học sinh trường cấp 2 Hương Phúc ở Hà Tĩnh và đòi đế quốc Mỹ rút về nước.
Hơn mười ngày sau (20/2/1966), đoàn đại biểu trường cấp 2 Hương Phúc gồm thầy giáo Thái Văn Nhậm, phụ huynh Trương Thị Vỹ và học sinh Nguyễn Thị Mão (sống sót trong trận bom ngày 9/2/1966; hiện nay Cô Mão đang sinh sống ở Thành phố Hà Tĩnh),...do ông Lê Sỹ Nghĩa, Trưởng Ty Giáo dục Hà Tĩnh làm trưởng đoàn ra Hà Nội họp báo tố cáo tội ác của giặc Mỹ trước đại diện các đoàn thể Trung ương và Hà Nội, các trường đại học và phổ thông, hàng trăm nhà thơ, nhà văn, nhà báo trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, ngày 28/2/1966 đoàn vinh dự được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Thời gian gặp Bác kéo dài hơn dự kiến. Tại buổi gặp mặt, Bác rất xúc động, chia sẻ đau thương mất mát đối với các gia đình có con em bị chết, ân cần động viên chỉ bảo, nhắc nhở thầy trò nhà trường phải vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục dạy tốt và học tốt, và căn dặn “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, Hương Phúc phải có nhiều thầy giỏi, trò giỏi. Riêng cháu Mão phải học giỏi để Bác khen”.
Hố bom tại Khu di tích tội ác chiến tranh Trường cấp 2 Hương Phúc.
3.“Viên gạch hồng” - tôn tạo di tích tội ác chiến tranh Trường cấp 2 Hương Phúc xứng tầm với lịch sử”.
Biến đau thương thành hành động cách mạng, nhân dân xã Hương Trạch nói riêng, huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh nói chung đã ra sức chiến đấu và phục vụ chiến đấu thắng lợi. Năm 1969, xã Hương Trạch đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác. Để khắc ghi sự kiện lịch sử này. Năm 1988, Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Khê, xã Hương Trạch đã xây dựng đài tưởng niệm ngay tại hai hố bom, nơi đã giết hại 33 em học sinh. Năm 2001, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng chứng tích chiến tranh trường cấp 2 Hương Phúc là di tích Lịch sử Quốc gia.
Để tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức các ngành, các cấp; học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên, thiếu niên, nhi đồng về ý nghĩa và giá trị lịch sử của Di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp II Hương Phúc”. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp II Hương Phúc” gắn với các hoạt động giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” góp phần xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn huyện Hương Khê. Sở GD&ĐT phối hợp với UBND Huyện Hương Khê và Sở VH-TT&DL, Tỉnh đoàn ban hành Kế hoạch số 01/KH-SVHTTDL-SGDĐT-TĐ-UBNDHK ngày 17/12/2021 về việc Phát huy giá trị lịch sử và nâng cấp Di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp II Hương Phúc” giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo, với mong muốn đây sẽ là địa chỉ giáo dục truyền thống gắn với hoạt động trải nghiệm tại một số địa chỉ văn hóa, du lịch của HK cho học sinh trong tỉnh. Ngành giáo dục Hà Tĩnh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các trường học trong toàn tỉnh lồng ghép tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về giá trị lịch sử của Di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp II Hương Phúc”. Khuyến khích các trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm gắn với các di sản văn hóa, di tích lịch sử nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của Ngành. Phối hợp với Tỉnh đoàn phát động Chương trình chung tay xây dựng và phát huy giá trị Di tích lịch sử trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn tỉnh với chủ đề “Kế hoạch nhỏ - Góp viên gạch hồng”; kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ việc tôn tạo, nâng cấp cơ sở vật chất của Di tích. Uỷ ban nhân dân huyện Hương Khê phối hợp với Sở VHTTDL xây dựng tua du lịch tham quan Di tích “Chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp II Hương Phúc” và các di tích lịch sử trên địa bàn huyện gắn với du lịch trải nghiệm nông thôn mới.
Tin tưởng rằng, trong thời gian tới Di tích sẽ được trùng tu, nâng cấp, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ biết được sự khốc liệt của chiến tranh, giá trị của nền hoà bình và sự hy sinh, mất mát của biết bao thế hệ và người dân Việt Nam.
Trần Quốc Bảo (Uỷ viên BTV, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê)