Nếu ai quan tâm, theo dõi thông tin liên quan đến môi môi trường học đường trong thời gian gần đây đều thấy câu chuyện giáo viên xử phạt học sinh đang gây nên dư luận trái chiều. Đơn cử như câu chuyện của giáo viên ở một trường THCS thuộc thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh không kiềm chế được bức xúc đã dùng thước nhựa đánh trò và hất sách vở của học sinh rơi tung tóe dưới nền nhà, hay chuyện một cô giáo dạy Toán thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội bắt học sinh quỳ trong giờ học nhiều lần vì học sinh này gây mất trật tự…
Qua mạng xã hội, chúng ta có thể thấy cơ bản có hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất là đồng tình với việc làm của giáo viên.Những người có cùng ý kiến đồng tình cho rằng bản thân họ cũng đã từng bị đánh đòn, bị xử phạt và nhờ thế họ mới trưởng thành và “biết ơn” thầy cô và phụ huynh phải chấp nhận việc làm này của giáo viên vì gia đình không giáo dục được thì hãy để nhà trường giáo dục.
Họ quan niệm, giáo viên có quyền lựa chọn giải pháp “trừng phạt” học sinh và đây là một biểu hiện của trách nhiệm, lương tâm nhà giáo. Những người này cho rằng, hiện nay giáo viên đã mất đi rất nhiều quyền trong giáo dục học sinh và sợ liên lụy nên họ sẽ lựa chọn giải pháp an toàn là làm ngơ trước những học sinh “cá biệt” và hệ quả là gia đình phải “lãnh đủ” vì thiếu hợp tác trong giáo dục con em. Và sâu xa là xã hội phải đón nhận những công dân ngố ngáo, bất trị. Những người có cùng quan điểm trên lên tiếng trách cứ phụ huynh. Họ trách luôn cả nhà quản lý giáo dục đã không đứng về phía nhà giáo, họ cho rằng nhà quản lý giáo dục đang chạy theo báo chí, sợ phụ huynh và sợ ảnh hưởng đến cái ghế chức vụ nên mới hành xử như thế với giáo viên – người mà theo họ cần được thông cảm và bảo vệ.
Luồng ý kiến thứ hai là những người không cùng quan điểm với số đông những người trên, những người này là những người am hiểu về luật pháp, về những quy định của Ngành giáo dục, nhiều người là luật sư, đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em đã bày tỏ quan điểm, cách đánh giá về những hiện tượng trên. Họ khẳng định việc làm của giáo viên đã vi phạm vào những điều nhà giáo không được làm.
Và qua theo dõi, chúng tôi thấy, ngay trong một địa bàn khá hẹp của địa phương, của cộng đồng Facebooker, đối tượng lên tiếng, phản đối phụ huynh và học sinh “cá biệt” có không ít là đội ngũ các nhà quản lý, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong Ngành giáo dục. Đội ngũ này khá đông đảo, họ cho rằng chính phụ huynh phải nhận “quả báo” khi tố cáo giáo viên; họ cho rằng cha mẹ chính là tác nhân làm cho học sinh hư hỏng; còn các nhà quản lý thì hèn nhát, thiếu trách nhiệm không đứng ra bảo vệ giáo viên. Có người tuyên bố rằng từ nay đến lớp chỉ “dạy chữ” thôi để cho “an toàn”! Và quan điểm này có nhiều nhà giáo tán đồng.Họ cho rằng nghề giáo là “nghề nguy hiểm” chứ không hề cao quý. Danh xưng nghề cao quý là một thứ danh xưng không mấy thực chất.
Theo dõi công cuộc đổi mới của giáo dục nước nhà trong mấy chục năm lại nay, nhất là từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, điểm rõ nét nhất chúng ta dễ nhận thấy là giáo dục đang chuyển từ giáo dục quyền uy sang giáo dục dân chủ, giáo dục hướng tới phát triển toàn diện con người, từ mục tiêu đến các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản của Nghị quyết cho ta nhận thấy tính nhân văn của nó.
Khái niệm “quyền uy”, “dân chủ” để gọi tên của một giai đoạn giáo dục của người viết chắc sẽ có nhiều chỗ để trao đổi, bàn bạc. Tuy nhiên, dưới góc độ một bài viết có tính trao đổi, chúng tôi xin bước đầu đưa ra những nhận định mang tính cá nhân, chủ yếu được rút ra từ trải nghiệm như sau: Giáo dục quyền uy là giáo dục lấy cái được quyền, cái uy thế bề trên để giáo dục đối tượng người học. Giáo dục dân chủ là giáo dục người học trên cơ sở đối thoại, bình đẳng trong nhận thức và năng lực kiến tạo giá trị.
Có một thời, trong mắt những đứa học trò như chúng tôi, thầy cô giáo là những người “đặc biệt”, rất đáng kính.Thầy là người có kiến thức sâu rộng và có quyền năng rất lớn. Lời nói thầy phát ra gần như được mặc định là chân lý, việc làm của thầy là nêu gương nên hình ảnh người thầy thật đẹp đẽ.
Và ở một góc nào đó, khi mới ra trường chúng tôi cũng đã có lúc tự huyễn hoặc mình rằng mình là người có sứ mệnh cao cả là chia sẻ tri thức và đạo lý đối với học trò. Cái quyền của nhà giáo rất to và oai nữa. Không oai sao được nếu bạn cứ nhìn xem có ngành, nghề nào có được một ngày lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành mình mà tạo được sức lan tỏa sâu rộng như Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11? Ngay đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc, một việc làm đẹp đẽ, ý nghĩa nhất trong ba ngày Tết lại có riêng một ngày để đi “Tết thầy”, từ xưa đã vậy và hôm nay vẫn vậy!
Nhưng càng làm việc nhiều năm trong nghề, bản thân chúng tôi phải được nghiên cứu kỹ các văn bản pháp quy của nhà nước, của ngành và đơn vị thì chúng tôi đã nhận ra rằng: nghề giáo là một nghề đặc thù, được hưởng những “đặc ân” của xã hội nhưng cũng chịu những thiết chế ràng buộc bởi chính những yêu cầu của nghề, của sự tin tưởng và ưu ái của Nhân dân. Khi nhắc đến nhà giáo, người ta nghĩ ngay đó là người làm nghề giáo dục, dạy dỗ lớp trẻ nên phải là người có chuẩn mực về đạo đức, có tri thức môn học, chuyên ngành đáng tin cậy để học sinh học được cái hay, cái tốt, giáo viên phải luôn học hỏi, đổi mới để theo kịp sự phát triển chung, trong đó có sự phát triển về tâm sinh lý của từng lứa tuổi học sinh, từng thời kỳ xã hội với những đổi thay về nhận thức và giá trị.
Đến nay, xã hội ngày một phát triển đồng nghĩa với việc đòi hỏi của nghề giáo ngày một cao hơn, hướng tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp hơn. Chủ thể người học cũng hiểu biết nhiều hơn, chủ động hơn trong tiếp nhận và kiến tạo giá trị sống, kỹ năng sống.
Một nền giáo dục dân chủ đòi hỏi nhà giáo phải chịu những thiết chế ràng buộc của nghề cũng như phải ứng xử nhân văn với người học. Người thầy vừa là thầy vừa là bạn của học sinh trong đối thoại, trong quá trình học tập và trải nghiệm để tìm ra chân lý và ý tưởng mới. Trong quá trình hợp tác ấy, nhiều lúc nhà giáo đóng vai người bạn với học sinh để các em có tâm thế chủ động, thoái mái trong trao đổi, tranh luận và tạo hứng thú.Trước một thế giới bao la về tri thức và biến đổi không ngừng, càng ý thức được mình không còn là túi khôn của nhân loại, mình không phải là người chỉ biết ban phát và truyền trao thì nhà giáo mới làm tròn vai, mới đúng là “thiên sứ” trong con mắt học trò thời đại 4.0 này.
Trong quá trình tác nghiệp, nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ Điều lệ nhà trường và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo và người học để thấy rõ hơn, quyền, trách nhiệm cũng như những điều nhà giáo không được làm đã được quy định đầy đủ; không nhận thức đầy đủ về yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới, phần nào đó, chúng ta đang bị ảo tưởng về nghề nghiệp và cái vòng kim cô tự mình tạo ra rằng giáo viên đã có rất nhiều quyền năng từ nghề giáo. Với nhận thức như vậy, hệ quả là chúng ta vấp phải những hệ lụy do chính nhận thức đó mang lại. Sự thật là xã hội có ghi nhận, học sinh có biết ơn và tôn trọng nhà giáo hay không không phải bởi chúng ta chọn nghề nhà giáo mà ở chỗ chúng ta đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ của một nhà giáo hay chưa? Chúng ta trở thành “thiên sứ” trong mắt học trò là ở chính năng lực, trình độ, nhân cách của chính mình chứ không phải thanh bảo kiếm quyền uy tự phong và tự trao cho bản thân.
Một khi nhận thức không theo kịp với thực tiễn thì ắt hẳn hành động dễ gặp nhiều sai sót, thậm chí sai lầm. Ca thán vì nghề chỉ tạo nên thứ năng lượng tiêu cực làm chúng ta mất động lực và cảm hứng nghề nghiệp. Chúng ta sẽ đánh thức đam mê của học trò như thế nào khi chúng ta không còn năng lượng và cảm hứng? Áp lực, đòi hỏi của nghề nghiệp và xã hội ngày một cao hơn yêu cầu nhà giáo phải nỗ lực nhiều hơn. Từ trải nghiệm thực tế, chúng tôi thấy những giáo viên có chuyên môn vững vàng, năng lực tự học tự nâng cao trình độ và nghiệp vụ tốt, có cái tâm trong sáng luôn được tập thể học sinh ủng hộ, có kỹ năng giải quyết tốt các tình huống nảy sinh trong tác nghiệp.
Cũng xin bàn thêm, nếu cho rằng đi dạy bây giờ chỉ cần “dạy chữ” thôi thì chúng tôi lại nghĩ : Bạn đã thực sự dạy chữ cho ra cái chữ chưa? Nếu dạy chữ cho ra chữ thì trong chữ đã có đạo nghĩa, có trí tuệ và lòng nhân ái, có được chữ tín với đồng nghiệp, học sinh và Nhân dân. Nếu mất đi những thứ đó, nhất là mất đi chữ Tín, mất đi niềm tin vào thiên chức với các em học sinh và các bậc phụ huynh thì e rằng chúng ta đã thất bại ngay từ điểm xuất phát.
Và khi nhà giáo có những nhận thức đầy đủ, phát ngôn chuẩn mực, hành xử trách nhiệm thì xã hội sẽ có cái nhìn khác, dư luận sẽ đánh giá khác về những gì liên quan đến nghề nghiệp của chúng ta.Chúng ta có mong muốn và trách nhiệm giáo dục và đào tạo học sinh thành những công dân toàn cầu, trong khi chúng ta lại bảo vệ những cái đã lỗi thời, tư duy quyền uy trong giáo dục thì thử hỏi chúng ta sẽ đạt được những gì? Sự xung đột giữa nếp nghĩ, nhận thức đã thành thói quen với yêu cầu của sự đổi mới tư duy về giáo dục thực sự đang làm khó một bộ phận giáo viên hiện nay. Thiết nghĩ, muốn“rèn người” thành công, nhà giáo phải biết tự rèn mình mà trước hết phải đổi mới từ trong tư duy, đổi mới nhận thức về giáo dục, về nghề nhà giáo. Phàm những gì đã bị cấm thì nhà giáo không được vi phạm. Xúc phạm thân thể, danh dự người học dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là hành vi bị cấm trong môi trường giáo dục./.