Đền Cây Chay nằm trong Khu di tích lịch sử cách mạng Rôộc Cồn, thuộc thôn 2 xã Phú Phong. Những năm 1930-1931, nơi đây xung quanh được bao bọc bởi cây cối um tùm với diện tích 600m2. Phía trước di tích là dòng sông Tiêm uốn mình chảy xiết mang nước về tưới mát cho ruộng đồng, tạo cho cảnh quan thêm trù phú.
Ông Lê Hoa Lựu, thôn 4, xã Phú Phong cho biết: “Đền Cây Chay là nơi cất dấu tài liệu, in truyền đơn, là nơi hội họp của Đảng bộ huyện Hương Khê trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bản thân tôi được nghe các tiền bối kể lại: vào những năm 1930-1931, trước sự đàn áp của đế quốc, phong kiến, đông đảo người dân Phú phong và các xã lân cận đứng lên biểu tình. ngày 20/4/1931, khi chi bộ đang tổ chức họp tại nơi đây thì bị mật thám báo, tên Đồn trưởng Pháp tại Chu Lễ đã dẫn 12 lính về Phú Phong đàn áp, bắt đồng chí bí thư chi bộ Nguyễn Văn Chử và một số đồng chí đảng viên. 11 người chết và 6 người bị thương trong một cuộc biểu tình vào ngày 20/4/1931 là đỉnh điểm của cao trào đấu tranh chống lại sự áp bức của thực dân, phong kiến lúc bấy giờ”
Ngày nay, Khu di tích lịch sử cách mạng Rọôc Cồn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước cho các thế hệ. Kỷ niệm 90 năm ngày diễn ra cuộc biểu tình của nhân dân Hương Khê chống lại sự áp bức của cường hào phong kiến và thực dân Pháp tại di tích lịch sử Rôộc Cồn Phú Phong vào ngày 20/4/1931 là dịp để cán bộ và nhân dân nơi đây ôn lại truyền thống lịch sử, trân trọng giá trị của độc lập tự do.
Viết tiếp truyền thống trên quê hương cách mạng Rôộc Cồn, những năm qua, Đảng bộ Phú Phong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bằng những chủ trương đúng, cách làm phù hợp, cấp ủy, chính quyền đã lãnh đạo, tổ chức vận động nhân dân xây dựng mô hình kinh tế đa dạng trên các lĩnh vực, tiếp cận với phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa. Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, đến nay có 4/6 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, 25 vườn mẫu.
Tổng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới đạt trên 40 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất đạt trên 150 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích đạt 85 triệu đồng/1 ha; Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 30,81 triệu đồng năm 2015 lên 43,6 triệu đồng năm 2020.
Kinh tế vườn phát triển mạnh cả về số lượng, qui mô và chất lượng. Diện tích cây ăn quả toàn xã lên tới 53 ha, đạt gần 106 % so với mục tiêu Nghị quyết, trong đó bưởi Phúc Trạch 32 ha; cam các loại 21 ha cho thu nhập mỗi năm 6,5 tỷ đồng. Giá trị sản xuất chăn nuôi từ 7,5 tỷ đồng năm 2015 lên 9,1 tỷ đồng năm 2020, đạt 91% so với Nghị quyết. Toàn xã hiện có 43 mô hình sản xuất, kinh doanh có doanh thu 100 triệu đồng trở lên.
Là địa phương không có lợi thế diện tích đất sản xuất; người dân nơi đây đã nhanh nhạy nắm bắt thị trường lao động và nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Vì vậy, nhân dân đã tích cực đa dạng hóa các ngành nghề phụ đem lại thu nhập cao. Nhiều nghề phụ nhưng đã mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây như: Gia công cơ khí, mộc dân dụng, thợ nề, sửa chữa, kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải…với 21 tổ ngành nghề xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; 268 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 12 doanh nghiệp; 5 HTX dịch vụ; 13 tổ hợp tác sản xuất; 21 hộ kinh doanh vận tải, 94 ky ốt buôn bán nhỏ, 160 cửa hàng tạp hóa, 36 nhà hàng dịch vụ ăn uống đã góp phần tăng giá trị sản xuất từ 24 tỷ năm 2015 lên 30 tỷ đồng năm 2020. Từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo vùng quê Phú Phong khởi sắc từng ngày; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Cả 6/6 thôn đều được công nhận làng văn hóa.
Bà Trương Thị Lan, Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Phú Phong cho rằng: “Thôn 3 là thôn đầu tiên đạt chuẩn về khu dân cư kiểu mẫu của địa phương, từ đó đến nay qua các đợt kiểm tra đánh giá của tỉnh, huyện thì thôn 3 vẫn giữ vững tiêu chí và ngày càng phát huy tính cực. Để đạt được điều này thì quan trọng nhất vẫn là tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và phát huy được tinh thần đoàn kết trong cán bộ, nhân dân để tạo nên sức mạnh trong các phong trào ở địa phương”
Sự đổi mới trên quê hương cách mạng Phú Phong là niềm tự hào, phấn khởi của cán bộ và nhân dân nơi đây. Trong dòng chảy lịch sử, với đà phát triển của phong trào xây dựng Nông thôn mới, tin rằng Phú Phong sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu vào những năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Ngô Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Phong khẳng định: “Với những kết quả đạt được, Phú Phong đang phấn đấu 5 năm tới sẽ đạt tổng giá trị sản xuất 240 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 67,2 triệu đồng; 100% thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu và 60 vườn mẫu đạt chuẩn; Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, mà trọng tâm là nâng cấp Khu di tích lịch sử cách mạng Rọôc Cồn xứng tầm với truyền thống, lịch của quê hương, đất nước”.