Chị Nguyễn Thị Xinh thôn Hương Thượng, xã Lộc Yên đang thu hoạch tỏi.
Nếu như vụ tỏi năm ngoái, gia đình chị Nguyễn Thị Xinh thôn Hương Thượng, xã Lộc Yên trồng 2 sào, thu về khoảng 2 vạn củ, thì năm nay gia đình chị chỉ trồng 1 sào tỏi nhưng cũng thu về hơn 2 vạn củ. Điều này có nghĩa năng suất tỏi đã tăng lên gấp đôi. Theo chị Xinh, do gặp khó khăn trong sản xuất từ năm trước, nhiều hộ đã cắt giảm diện tích, thế nhưng năm nay cây tỏi lại được mùa ngoài dự kiến. Chị Nguyễn Thị Xinh chia sẻ “Năm nay thời tiết thuận lợi, cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, nên năng suất cao gấp 2 lần người dân chúng tôi hết sức phấn khởi”
Còn đây là toàn bộ sản phẩm tỏi với trên 4 vạn củ mà gia đình bà Nguyễn Thị Khôi vừa mới thu hoạch về. Năm nay bà Khôi đã trên 60 tuổi nhưng đã có gần 30 năm gắn bó với công việc trồng tỏi. Từ chỗ trồng ít một, ban đầu phục vụ gia đình, sau đó dần dần phát triển thêm, năm trước trồng thì để giống, sang năm sau trồng tiếp. Cứ như thế, đến nay gia đình bà Khôi đã có gần 2 sào tỏi, năng suất mỗi sào khoảng 20 đến 22 nghìn củ, bán ra thị trường. Thời điểm cao nhất là 2 ngàn đồng/1 củ. Riêng tỏi giống khoảng 2,5 đến 3 nghìn đồng/ 1 củ. Theo bà Thiện cho biết, sở dĩ loại tỏi này bán đắt gấp 3 đến 4 lần tỏi khác, là do chất lượng đặc biệt. Tỏi trên đất Lộc yên được trồng toàn phân hữu cơ và phân chuồng, không có chất bảo quản, còn việc bảo quản tỏi thì cứ cột từng chùm treo lên cao, trong môi trường thoáng mát. Khách của bà hầu như là toàn khách quen, hoặc nhập sĩ cho một số thương lái trong và ngoài huyện. Bà Khôi chia sẻ thêm, năm nay tỏi được mùa, tôi lại trồng chủ yếu trên đất pha cát, nên củ to, đều và đẹp. Thu hoạch vào đầu mùa bán được giá hơn và lượng người đến mua cũng nhiều hơn”
Bà con nhân dân Lộc Yên đang thu hoạch tỏi.
Nhận thấy tiềm năng của cây tỏi tía, năm 2017 xã Lộc Yên đã vận động các hộ dân trồng tỏi của thôn Hương Thượng thành lập Tổ hợp tác. Ban đầu chỉ có vài chục hộ, nay đã tăng lên 40 thành viên, trung bình mỗi gia đình trồng từ 0,5 sào đến 2 sào tỏi, thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/1 sào, năm nay được mùa thì cao gấp đôi năm ngoái.
Được biết, mùa trồng tỏi được bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến giữa tháng 3 năm sau. Thời gian khoảng từ 5 đến 6 tháng, trồng tỏi nhẹ nhàng, công chăm sóc không nhiều bằng các loại cây trồng khác, trong khi thu nhập lại cao. Ở xã Lộc Yên, thường thì cứ sau mùa lũ bà con lại bắt tay vào trồng tỏi, sản phẩm trồng đến mùa thu hoạch được bà con cất giữ cẩn thận để bán quanh năm.
Ông Đinh Hữu Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Yên, huyện Hương Khê cho biết, thời gian tới Lộc Yên sẽ mở rộng diện tích trồng tỏi từ 3 ha hiện nay lên 8 ha. Để nâng cao thương hiệu, giá trị hàng hóa của cây tỏi tía Lộc Yên, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ cả về khoa học kỹ thuật, lẫn quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh của một loại nông sản đặc trưng của quê hương, mà ít nơi nào có được”