Tại cơ sở sản xuất kẹo Cu Đơ Dung Hào 2 thuộc TDP 17 thị trấn Hương Khê, là 1 trong 5 sản phẩm của thị trấn Hương Khê đăng ký tham gia đạt chuẩn OCOP năm 2021. Trải qua gần 15 năm tồn tại, đến nay thương hiệu kẹo Cu Đơ Dung Hào 2 đã dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường, có mặt khắp các cửa hàng lớn ở miền Trung và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất từ 8.000- 10.000 hộp bánh, thu nhập gần 400 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 đến 12 lao động của địa phương.
Năm 2020 vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch covid-19,song cơ sở sản xuất kẹo Cu Đơ Dung Hào 2 vẫn ổn định khách hàng, duy trì sản xuất cả năm. Cơ sở luôn cố gắng để làm sao sản phẩm của mình xứng danh với đặc sản quê hương, đem lại sự hài lòng cho người thưởng thức bởi chất lượng và hương vị đặc trưng của nó. Để ai đã từng thưởng thức sẽ nhớ mãi, và những ai chưa từng biết đến sẽ có dịp được thưởng thức.
Anh Nguyễn Văn Mão, chủ Cơ sở sản xuất kẹo Cu đơ Dung Hào 2chia sẻ “Chúng tôi luôn chú trọng chất lượng của sản phẩm, vì thế việc lựa chọn các nguyên liệu cũng được tỷ mỉ, cẩn thận. Sắp tới chúng tôi sẽ đổi nhãn hiệu kẹo Cu đơ Dung Hào 2thành Cu Đơ Hoàng Nguyên, phấn đấu xây dựng thương hiệu đạt OCOP cấp tỉnh”
Được biết,năm 2020, thị trấn Hương Khê có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, trong đó cơ sở Dò me Tiến Giáp đạt thêm nhiều giải thưởng khác; cơ sở sản xuất Dầu lạc Tuấn Cúc phát triển mở cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; còn cơ sở Bánh đa gia vị Phú Tài tiếp tục có sản phẩm Bún ngũ sắc tham gia đạt chuẩn OCOP năm 2021 của thị trấn Hương Khê. Cùng với đó, để mở rộng và phát triển Chương trình OCOP, thị trấn Hương Khê còn thực hiện cơ chế hỗ trợ để đưa các sản phẩm OCOPvào các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại mỗi địa phương.
Đến nay, trên địa bàn thị trấn Hương Khê có 2 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm. Tại cửa hàng Cẩm Tú, hiện nay, sau 2 năm khai trương đã có trên 50 đầu sản phẩm, trong đó có 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên và hơn 40 sản phẩm còn lại là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Hương Khê như rau, củ, quả; các loại đậu, lạc, trà xanh, tinh bột nghệ, dầu lạc, vừng; bưởi Phúc Trạch; đũa cau nàng rưng và các loại hải sản tươi khô của các huyện khác.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, chủ cửa hàng Cẩm Tú,TDP 8, thị trấn Hương Khê cho biết “Việc khai trương và đưa vào hoạt động cữa hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn thị trấn Hương Khê đã góp phần quan trọng vào quảng bá giới thiệu sản phẩm do các HTX, THT, hộ gia đình hội viên, nông dân huyện Hương Khê sản xuất, chế biến. Đây là cầu nối cho các đối tác trong và ngoài tỉnh tìm kiếm thông tin về sản phẩm để liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Đồng thời cũng là địa chỉ tin cậy, mang đến những nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.”
Việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”ở Hương Khê đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng; nhất là tạo hướng để các xã trong huyện khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt đã thành công trong việc phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội Nông dân tham gia triển khai, nhân rộng chương trình. Với vai trò là tổ chức đại diện cho đối tượng nông dân trực tiếp tham gia sản xuất ra sản phẩm, Hội Nông dân đã tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội đã quan tâm hỗ trợ hội viên, nông dân trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản.
Ông Trần Tiến Trình, Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Hương Khê cho biết trong thời gian tới “Hội Nông dân thị trấn sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo lập môi trường thực sự thuận lợi cho phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.Trong đó, hướng mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đồng thời, ưu tiên các giải pháp thiết thực về khoa học, công nghệ, thị trường để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia OCOP có điều kiện thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế các sản phẩm”