Đồng chí Nguyễn Trường Lâm, Giám đốc TTDS-KHHGĐ huyện phát biểu...
Tại lớp tập huấn tham dự có Ths. Bs Bùi Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh, đồng chí Trần Quốc Bảo, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số- KHHGĐ huyện, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số- KHHGĐ huyện và Ban Chỉ đạo thực hiện công tác Dân số- KHHGĐ các xã Biên giới: Hương Lâm, Hương Vĩnh, Phú Gia và Hòa Hải.
Các đại biểu tham dự tập huấn.
Trên địa bàn huyện Hương Khê có đông đồng bào dân tộc ít người như Mường, Thái, Chứt, Lào, Tày, Mán, Thổ, Khơ me đang sinh sống rải rác, chủ yếu tại 04 xã biên giới. Phong tục tập quán của bà con dân tộc còn lạc hậu, cuộc sống chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Hầu hết, các dân tộc này di cư từ các tỉnh khác đến, hoặc từ nước bạn Lào sang. Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn có đời sống khó khăn, có vùng còn phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước; trình độ dân trí dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế; một vài hủ tục lạc hậu về hôn nhân, sinh đẻ vẫn còn tồn tại trong đời sống của bà con dân tộc. Trong quá trình triển khai hoạt động, mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực, các gói dịch vụ KHHGĐ đã đến tận người dân các xã biên giới.
Ths. Bs Bùi Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh truyền đạt các nội dung tập huấn.
Năm 2019, dân số của các xã vùng biên giới là 19.963 người, chiếm tỷ lệ 19,8% dân số toàn huyện trong đó có 196 người là dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 0,98% dân số trên địa bàn 04 xã); Mức sinh còn cao, tổng số trẻ sinh ra là 257 trẻ, tỷ suất sinh thô trung bình các xã ở mức 12,45%o, trong đó có 71 cháu là con thứ 3 trở lên, chiếm tỉ lệ 25,4 %. Tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao như Hòa Hải 85 bé trai/100 bé gái; Hương Vĩnh 85 bé trai/100 bé gái; Hương Lâm 107 bé trai/100 bé gái; Phú Gia 126 bé trai/100 bé gái.
Đây là những xã đặc biệt khó khăn tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, độ tuổi kết hôn sớm. Số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại còn ít, tỷ số giới tinh sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên luôn ở mức cao so với toàn tỉnh. Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh, chỉ đạo cho Trung tâm Dân số- KHHGĐ các huyện Biên giới tăng cường triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số, như: Sàng lọc sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khoẻ sinh sản Tiền hôn nhân…
Chất lượng dân số tại các xã triển khai mô hình còn thấp, tồn tại những nguy cơ gây suy giảm chất lượng dân số như: chỉ tiêu phản ánh về sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn ở mức kém, các vấn đề về vị thành niên và thanh niên, các tố chất về tầm vóc thể lực còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp, chuyên môn, kỹ thuật thấp, khu vực có đông đồng bào thiểu số sinh sống còn đối mặt với nguy cơ suy thoái giống nòi do tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn diễn biến phức tạp và vẫn là tình trạng phổ biến ở hầu hết các dân tộc thiểu số.
Để truyên truyền công tác Dân số trong tình hình mới và mô hình hoạt động có hiệu quả, trong thời gian tới ngành Dân số cần phải phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là lực lượng Bộ đội Biên phòng và đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động về chính sách DS-KHHGĐ; cung cấp đầy đủ, kịp thời các dịch vụ dân số; đưa quy định thực hiện chính sách vào quy ước, hương ước của thôn, bản… tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vận dụng tối đa sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản những người có uy tín trong cộng đồng: Các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản là những người được bà con đồng bào tôn trọng, tiếng nói của những người này được bà con coi như là một mệnh lệnh, vì vậy trong công tác tuyên truyền về dân số- kế hoạch hoá gia đình nếu được những người này ủng hộ thì nhất định thành công.
Đội ngũ tuyên truyền viên dân số phải gần gũi và chia sẻ với nhân dân những tâm tư tình cảm, những phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục để đưa ra những giải pháp phù hợp trong công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người dân chấp nhận những đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về chính sách dân số- kế hoạch hoá gia đình, chấp nhận áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chấp nhận mô hình gia đình ít con và tạo được sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận của nhân dân vùng đồng bào dân tộc. Vì thế, cần có sự tham gia của các cấp chính quyền và cộng đồng để cải thiện, duy trì chất lượng, số lượng các dân tộc ít người một cách ổn định mang tính chiều sâu.
Để thực hiện tốt Mô hình thí điểm chính sách kiểm soát dân số khu vực biên giới, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, cần tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả chính sách Dân số-KHHGĐ đối với đồng bào dân tộc. Đổi mới nội dung, thông điệp, hình thức truyền thông phù hợp với văn hóa, tục tập quán, đặc điểm đồng bào các dân tộc thiểu số. Những khó khăn về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cộng với tính đa dạng về phong tục tập quán, tiếng nói là những yếu tố chủ yếu cản trở những nỗ lực trong việc đẩy mạnh và tăng cường công tác Dân số-KHHGĐ trong những năm tiếp theo./.