Đồng chí Lê Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng Tư pháp huyện khai mạc buổi tập huấn.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chính thức được thông qua ngày 16/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật gồm 4 chương, 42 điều, quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Luật sư Phan Văn Chiều, Giám đốc văn phòng Luật sư Hà Châu truyền đạt một số nội dung...
Tại hội nghị, đại diện Văn phòng Luật sư Hà Châu và Tòa án dân huyện đã trực tiếp trao đổi những nội dung của Luật Hòa giải đối thoại, các kiến thức pháp luật cơ bản quan trọng liên quan đến việc hòa giải đối thoại và quyền lợi ích hợp pháp của Nhân dân, trong đó nhấn mạnh: Phương thức lựa chọn hòa giải để giải quyết các tranh chấp là một trong những thiết chế truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và truyền thống trọng tình, trọng đức, trọng văn trong văn hóa của người Việt.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận; góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân.