Sản phẩm cam Khe Mây Long Nhâm, có địa chỉ thôn 2, xã Hương Đô, huyện Hương Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận OCOP đạt 3 sao tại cuộc thi đánh giá về xếp hạng năm 2019, theo Quyết định số 3211, ngày 27/9/2019, có giá trị trong 3 năm.
Như vậy, đến nay mùa cam Khe mây đã chuẩn bị bước vào chính vụ thu hoạch nhưng giấy chứng nhận OCOP đã hết hạn sử dụng; trong khi đó chưa có văn bản nào của cấp trên quy định về gia hạn, hay cấp lại chứng nhận cho các sản phẩm đã đạt chuẩn khi hết thời hạn sau 3 năm được công nhận. Điều này dẫn đến sự khó khăn, lúng túng cho người dân trong sản xuất, kinh doanh. Ông Đinh Văn Nhâm, Giám đốc HTX NN cam Khe Mây Long Nhâm, xã Hương Đô “kiến nghị tỉnh, huyện sớm quan tâm xem xét hồ sơ, thủ tục cấp lại chứng nhận sản phẩm OCOP để hợp tác xã (HTX) yên tâm sản xuất, kinh doanh hiệu quả và làm cơ sở để HTX thi nâng hạng sản phẩm cam Khe Mây đạt chuẩn lên 4 sao thời gian tới”.
Được biết, khi mới thành lập, HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm có 5 thành viên tham gia với diện tích 68ha; đến nay đã có 29 thành viên, với gần 90 ha cam, từng bước khẳng định được thương hiệu cam nổi tiếng của địa phương và luôn có đầu ra ổn định khi liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, trên 12 ha của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, những diện tích còn lại đều được lựa chọn thâm canh theo hướng an toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Năm nay, HTX dự kiến mang ra thị trường tiêu thụ khoảng 400 tấn cam đạt chuẩn với doanh thu trên 10 tỷ đồng.
Năm 2019, huyện Hương Khê có 8 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm đủ điều kiện tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, kết quả có 2 sản phẩm đạt hạng 3 sao, gồm: Cam Khe Mây và Giò me Tiến Giáp.
Cùng với các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP trên địa bàn, thời gian qua sản phẩm Giò me Tiến Giáp của hộ gia đình anh Nguyên Đình Giáp, thị trấn Hương Khê đã phát huy giá trị thương hiệu của sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình; cung cấp cho thị trường, người tiêu dùng món ăn đặc sản từ nguyên liệu của địa phương đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm 2019, gia đình sản xuất, chế biến 10 tấn giò và dự kiến trong năm nay sẽ đạt 30 tấn, cho doanh thu 7 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương.
Điều đáng nói, hiện nay hai sản phẩm đầu tiên của huyện Hương Khê được công nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh vào năm 2019 đã hết hạn chứng nhận. Các hợp tác xã và chủ hộ đang đề xuất với tỉnh và huyện quan tâm xem xét, gia hạn hoặc cấp lại giấy chứng nhận để tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất, kinh doanh.
Qua kiểm tra, thẩm định, đánh giá Ông Lê Xuân Tùng, Văn phòng Điều phối Chương trình MTQGXDNTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết “Hai sản phẩm Cam Khe Mây và Giò me Tiến Giáp cơ bản đáp ứng đầy đủ các yêu tố, yêu cầu của sản phẩm ocop 3 sao; đặc biệt thời gian qua các tập thể và cá nhân hộ gia đình cũng đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như chấp hành đầy đủ yêu cầu về quy trình sản xuất, bảo quản sản phẩm và kinh doanh có hiệu quả”.
Đến nay, huyện Hương Khê đã có 22 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh. Năm 2022, huyện đang thẩm định, chấp thuận phương án sản xuất kinh doanh cho 3 sản phẩm gồm: Dầu vừng Tuấn Cúc, Giò Lụa Song Anh, Hương trầm cao cấp Thọ Nga. Đồng thời lập hồ sơ đề nghị tỉnh xem xét gia hạn, cấp chứng nhận 2 sản phẩm quá hạn theo Quyết định của UBND tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho các Hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.