Gia đình bà Nguyễn Thị Dần, thôn 1 xã Phú Phong trồng hơn 2 sào khoai môn, loại cây nông sản bản địa, thích hợp và dễ trồng và cho năng suất cao, sản lượng thu hoạch đạt từ 10 đến 12 triệu đồng/sào, gấp 4 lần trồng lúa, mỗi năm trồng được từ 3 đến 4 lứa. Nhờ có đầu tư, chăm sóc nên toàn bộ diện tích khoai môn của gia đình bà luôn phát triển tốt, cho thu nhập quanh năm. Bà Nguyễn Thị Dần, Thôn 1 xã Phú Phong nói “Gia đình tôi trồng cây khoai môn quanh năm, hết lứa này đến lứa khác. Cây khoai môn dễ trồng, dễ chăm sóc, luộc ăn cũng ngon mà nấu canh cũng hợp và rất dễ bán”
Để phát huy thế mạnh của cây trồng bản địa, khắc phục những nhược điểm của việc trồng trọt tự phát như năng suất không cao, chất lượng không ổn định và thiếu thị trường tiêu thụ. Hội LHPN xã Phú Phong đã tham mưu đề xuất thành lập mô hình tổ hợp tác (THT) trồng khoai môn, mục đích tập hợp, kết nối các thành viên, hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.
Chị Trần Bích Thuận, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Phong cho biết “Ban đầu thành lập, THT có 16 thành viên tham gia, đây là những hộ có diện tích trồng khoai môn từ 0,5 sào đến 2 sào. THT ra đời nhằm tập hợp kết nối các thành viên, hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm, nhằm duy trì giống khoai tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Thời gian tới, chúng tôi đề xuất với xã qui hoạch vùng để cho bà con trồng khoai môn vừa tiện chăm sóc vừa nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích”
Còn với THT “bánh chưng Thượng Hải” xã Gia phố vừa mới được thành lập và ra mắt, ban đầu có 5 thành viên, đây là những hội viên phụ nữ có truyền thống làm bánh chưng gia truyền do cha ông để lại. Chị Dương Thị Vân, thôn Thượng Hải xã Gia Phố chia sẻ “Bánh chưng Thượng Hải là nghề gia truyền do cha ông chúng tôi để lại. Nhà tôi có đến 4 đời nấu bánh chưng, chúng tôi thế hệ con cháu muốn giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, đem sản phẩm quê hương đi khắp mọi miền”
Chị Phan Thị Hồng Sang, Chủ tịch Hội LHPN xã Gia Phố cho biết “Tháng 10 vừa qua, nhân kỷ niệm 92 năm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng tôi đã tham mưu và thành lập THT bánh chưng Thượng Hải, Thông qua mô hình, nhằm đổi mới và phát triển sản phẩm bánh chưng truyền thống xã Gia Phố theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ hợp sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện trong thời gian tới”
Đến nay trên địa bàn, Hội LHPN huyện đã vận động thành lập 7 HTX với 70 thành viên; 40 THT với 561 thành viên; 386 mô hình phát triển kinh tế doanh thu100 triệu đồng trở lên; hỗ trợ xây dựng 291 vườn mẫu, phối hợp tổ chức 56 lớp đào tạo nghề cho 1.766 học viên.
Trong đó 10 tháng đầu năm vận động thành lập mới 2 THT; 60 mô hình kinh tế, doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên; vận động, hỗ trợ xây dựng 44 vườn mẫu; tổ chức 29 lớp tập huấn cho 1.340 hội viên phụ nữ về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tổ chức 1 lớp đào tạo nghề nấu ăn cho 32 học viên tại Lộc Yên; hội hỗ trợ 4 ý tưởng tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức, có 2 ý tưởng lọt vào vòng chung kết.
Bà Trần Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết thêm “Từ hiệu quả của các THT, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn ra mắt một số mô hình tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình hội viên phụ nữ trên địa bàn”.