Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Quốc Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhấn mạnh: Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đây là dịp để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách; các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Đến nay, toàn huyện Hương Khê có 33 trường phổ thông trong đó 12 trường THCS, 21 trường TH với 33 thư viện, trong đó có 2 thư viện xuất sắc, 12 thư viện tiên tiến và 14 thư viện đạt chuẩn. Trong những năm qua, thư viện các nhà trường đã được đầu tư về cơ sở vật chất và thiết bị, 100% thư viện các nhà trường có máy tính, máy chiếu kết nối Internet đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và tài liệu tham khảo đối với cán bộ, giáo viên. Nhiều trường xây dựng được thư viện xanh tạo không gian thoải mái cho học sinh đọc sách.
Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục chỉ đạo các nhà trường khai thác tối đa chức năng của phòng thư viện. Các tổ chuyên môn linh hoạt trong việc lựa chọn xây dựng nội dung, chủ đề bài học để tổ chức một số giờ học, hoạt động giáo dục, giao lưu, cuộc thi, các buổi tọa đàm tại thư viện trên cơ sở khai thác hiệu quả tư liệu của thư viện và các hiệu ứng kết hợp của các hình thức thể hiện.
Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách thư viện của trường phải là người tâm huyết, trách nhiệm, thái độ vui vẻ, tận tình cũng là một yếu tố thu hút học sinh đến với thư viện. Vì vậy, cán bộ thư viện phải coi giáo viên và học sinh là “khách hàng” thân thiết không thể thiếu để phòng đọc luôn phát huy được tối đa công năng đích thực của một thư viện trường học trong xu thế phát triển mới.