Sau hơn 5 tháng dịch bệnh tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện đã có 158 xã của 12 huyện, thành phố, thị xã có dịch. Tổng số lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy là 20.574 con (hơn 1 ngàn tấn), chiếm 5% tổng đàn cả tỉnh. Riêng huyện Hương Khê, tính đến ngày 29/10 đã có 20 hộ tại 15 thôn của 9 xã xẩy ra dịch với tổng số lợn phải tiêu hủy là 197 con, khối lượng gần 8.728kg.
Công tác phòng chống dịch bệnh được tỉnh, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai quyết liệt bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Thành lập các Đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý các vi phạm và lập trên 200 chốt kiểm soát tại các đầu mối giao thông chính để kiểm soát các hoạt động và phun tiêu độc, khử trùng phương tiện.Ngoài ra, tỉnh cũng đã sử dụng gần 100.000 lít hóa chất và trên 1.000 tấn vôi bột để tiến hành khử trùng, tiêu độc vùng dịch, vùng nguy cơ cao và các khu vực liên quan. Đến nay, đã có 21 xã, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh mới kể từ ngày đầu có dịch.Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài nên lực lượng huy động chống dịch vất vả; rất khó huy động thêm người nhất là tại các địa phương có số lượng lợn tiêu hủy lớn.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng: Bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh đang diễn biến ngày càng phức tạp một phần do các địa phương, các hộ chăn nuôi bắt đầu chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan cùng với các địa phương phải xốc lại tinh thần triển khai các giải pháp bổ cứu kịp thời, không để dịch tiếp tục lan ra diện rộng. Đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi không nhập lợn từ các tỉnh đang có dịch về để chăn nuôi, giết mổ; không tăng đàn, tái đàn tại các vùng dịch, vùng có nguy cơ cao khi chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại.