1. Vứt chai nhựa, túi ni lông xuống sông hồ bị phạt tới 2 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, bổ sung quy định xử phạt hành vi vứt chai nhựa, túi ni lông xuống sông hồ.
Cụ thể, điểm d khoản 1 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với các hành vi:
- Vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt;
- Đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố;
- Thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển. (nội dung mới bổ sung).
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
- Nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, bổ sung mức phạt cảnh cáo đối với hành vi không niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng so với quy định hiện hành.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/8/2022 và thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP , Nghị định 55/2021/NĐ-CP .
2. Hoạt động từ thiện phải mở sổ kế toán ghi chép minh bạch
Ngày 05/7/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 41/2022/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
Cụ thể, Điều 3 Thông tư này nêu rõ, tất cả tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện hoạt động xã hội, từ thiện thì đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán và minh bạch thông tin.
Đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện hoạt động xã hội, từ thiện kiêm nhiệm, không tổ chức kế toán riêng để hạch toán thì phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, theo chế độ kế toán mà đơn vị đó đang áp dụng.
Ngoài ra, đơn vị còn phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý và sử dụng đúng mục đích.
Hàng năm phải lập báo cáo về hoạt động xã hội, từ thiện, thực hiện công khai số liệu, đồng thời thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính một cách minh bạch và rõ ràng.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2022.
3. Sẽ công khai công chức giải quyết chậm hồ sơ thủ tục của người dân
Ngày 09/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 85/NQ-CP về Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022.
Theo đó, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ như:
- Tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết; số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cấp Bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, tập trung thực hiện đối với 25 dịch vụ công thiết yếu từ ngày 01/7/2022.
- Hàng tháng, công khai danh sách các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức giải quyết chậm, muộn hồ sơ hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trên cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương.
Kịp thời xử lý những khó khăn, bất cập, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
- Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm khẩn trương trình Thủ tướng ban hành Quyết định về cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh trong tháng 7/2022.
Đồng thời định kỳ đánh giá nỗ lực trong cải cách quy định về kinh doanh và thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các Bộ, ngành, địa phương.