1. Vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ với người cao tuổi bị phạt đến 40 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013.
Theo đó, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi:
Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các hình thức đối xử tồi tệ khác với người cao tuổi.
Như vậy, đối với các vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người cao tuổi thì cá nhân bị phạt đến 20 triệu đồng; tổ chức bị phạt đến 40 triệu đồng.
(Trước đây, theo Nghị định 144/2013/NĐ-CP đối với các vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người cao tuổi thì cá nhân bị phạt đến 10 triệu đồng; tổ chức bị phạt đến 20 triệu đồng).
2. Vi phạm quy định về đăng ký, quản lý cư trú bị phạt đến 12 triệu đồng
Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP các vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú bị phạt đến 12 triệu đồng.
Cụ thể, quy định phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
- Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
- Làm giả, sử dụng sổ hộ khẩu giả, sổ tạm trú giả để đăng ký thường trú, tạm trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
- Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 09 người lưu trú trở lên;
- Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật;
- Cản trở, không chấp hành việc kiểm tra thường trú, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, từ ngày 01/01/2022, cá nhân vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú bị phạt đến 6 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt đến 12 triệu đồng.
(Trước đây, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì cá nhân vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú bị phạt đến 4 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt đến 8 triệu đồng).
Nghị định 144/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
3. Thêm trường hợp được miễn lệ phí trước bạ
Ngày 15/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ.Theo đó, bổ sung trường hợp tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng được miễn nộp lệ phí trước bạ gồm:
- Tài sản hợp nhất của vợ chồng sau khi kết hôn;
- Tài sản phân chia cho vợ, chồng khi ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Hiện nay, trường hợp này không được miễn lệ phí trước bạ.
Ngoài ra, giữ lại các trường hợp miễn lệ phí trước bạ đối với tài sản đăng ký lại quyền sở hữu, quyền sử dụng, đơn cử như:
- Tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi được cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản do giấy chứng nhận bị mất, rách nát, ố, nhòe, hư hỏng.
- Trường hợp khi cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phát sinh chênh lệch diện tích đất tăng thêm nhưng ranh giới của thửa đất không thay đổi thì được miễn nộp lệ phí trước bạ đối với phần diện tích đất tăng thêm.
Nghị định 10/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2022 và thay thế Nghị định 140/2016/NĐ-CP, Nghị định 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019.
4. Giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong năm 2022
Ngày 11/01/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nghị quyết 43/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 11/01/2022.
5. Tăng mức phạt với nhiều vi phạm hành chính về lao động, BHXH
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, so với Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì Nghị định 12/2022/NĐ-CP đã tăng mức phạt với nhiều vi phạm hành chính về lao động, BHXH, đơn cử như:
- Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; (Trước đây là 10 - 15 triệu đồng).
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với NSDLĐ không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh; (Trước đây là 500 nghìn đồng - 01 triệu đồng)
- Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với NSDLĐ không xác nhận về việc đóng BHTN cho NLĐ để hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. (Trước đây là 500 nghìn đồng - 01 triệu đồng)
Nghị định 12/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 17/01/2022 và thay thế Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020.