Những năm qua, huyện Hương Khê có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây, con mới vào sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ có chính sách này và với đam mê tìm tòi, học hỏi; năm 2021, ông Lê Khắc Tân, ở xã Phú Gia đã mạnh dạn triển khai thử nghiệm mô hình nuôi cá Tầm, bước đầu khá thành công.
Sau khi đi nghiên cứu, học hỏi các mô hình nuôi cá Tầm ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai; ông Lê Khắc Tân đã tìm hiểu, thuê cán bộ kỹ thuật chuyên môn nuôi Thủy sản trên địa bàn tỉnh về thực hiện các khâu đánh giá nguồn nước, điều kiện tự nhiên tại khu vực thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê.
Xác định vùng đất này có khí hậu mát mẻ, được bao bọc bởi rừng tự nhiên và có nguồn nước mát từ các khe suối ở thượng nguồn đổ về nên thuận lợi để nuôi cá Tầm. Tháng 9 năm 2021, ông Lê Khắc Tân đã mạnh dạn quyết định đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá Tầm trên vùng đất biên giới thôn Phú Lâm.
Ông Tân cho biết “Bản thân tôi đầu tư mô hình nuôi cá Tầm trước hết là đam mê, luôn muốn học hỏi và muốn đột phá trong chăn nuôi nhằm tăng hiệu quả kinh tế; bên cạnh đó, nuôi cá để có điều kiện làm tốt công tác bảo vệ, giữ rừng. Bước đầu, trên diện tích ao hồ có sẵn 2.000 m2 của gia đình trước đây đã nuôi các loài cá truyền thống như chép, mè, trắm và rô phi hiệu quả kinh tế thấp; tôi đã cải tạo một phần diện tích, lót bạt lòng ao hồ; xây dựng hệ thống nước tự chảy, lấy nguồn nước từ Rào Trình và tiến hành thả nuôi 500 con cá Tầm tại khu vực thôn Phú Lâm, xã Phú Gia”
Trong thời gian một năm đưa vào nuôi thử nghiệm, đến nay, cá Tầm từ mô hình này đang phát triển tốt, trọng lượng trung bình mỗi con đạt trên 2kg. Cá Tầm là loại cá nước ngọt, được xem là đặc sản có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao. Giá bán trung bình hiện nay từ 250 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/1kg.
Để nuôi cá Tầm, đòi hỏi mô hình thiết kế ao nuôi phải có hệ thống nước tuần hoàn, cung cấp oxy liên tục cho cá, nước từ suối chảy vào ao hồi rồi lại từ ao hồ chảy ra ngoài, đảm bảo môi trường ao hồ luôn sạch và có dòng chảy nếu không cá dễ mắc bệnh và chết; nguồn nước trong hồ nuôi luôn được duy trì ổn định, tốt nhất từ 20 đến 23 độ C.
Ông Thái Hùng Cường, cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCT-VN huyện Hương Khê cho rằng: “Qua kiểm tra thực tế mô hình cho thấy, sau một năm thử nghiệm mô hình nuôi cá Tầm của gia đình ông Tân tại thôn Phú Lâm, xã Phú Gia đã cho kết quả tốt; mang lại thành công bước đầu; mô hình này đáp ứng được các điều kiện về nguồn nước, môi trường tự nhiên và thực hiện theo hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong chăm sóc nên cá phát triển tốt, tỉ lệ sống cao. Đây là cơ sở để gia đình ông Tân tiếp tục nhân rộng, hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho nhân dân địa phương trong phát triển mô hình này. Bởi cá Tầm là loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, nếu nhân rộng được mô hình sẽ góp phần đa dạng hóa các đối tượng vật nuôi, giúp người dân có điều kiện nâng cao thu nhập. Cần làm tốt công tác quảng bá về giá trị dinh dưỡng, chất lượng của loại cá đặc sản này và thị trường tiêu thụ ổn định để không những gia đình ông Tân mà các hộ khác trong vùng cũng có thể đầu tư nuôi cá Tầm”
Trăn trở của ông Tân là nếu có được đầu ra ổn định, thuận lợi trong tiêu thụ thì sẽ tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình nuôi cá Tầm, dự định ông sẽ thả khoảng 5.000 con giống, bởi cho thu nhập cao nhưng chi phí thức ăn nuôi cá Tầm cũng không hề nhỏ. Và không những nuôi cá Tầm mà môi trường, điều kiện tự nhiên ở thôn Phú Lâm, Hương Khê cũng có thể nuôi được cá hồi, loại cá đặc sản nhiều chất dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao.