Từ một doanh nhân kinh doanh vật liệu xây dựng khá thành công; nhưng với niềm đam mê với ngành nông nghiệp, nhiều năm qua, anh Nguyễn Quang Thông đã đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn liên kết cho hiệu quả kinh tế. Không dừng lại ở mô hình chăn nuôi lợn, anh nhận thấy tiềm năng của địa phương dồi dào về đất đai, nguồn lao động sẵn có, năm 2020 anh Nguyễn Quang Thông tiếp tục đầu tư gần 12 tỷ đồng xây dựng chuồng trại; mua con giống trâu, bò về nuôi. Lứa đầu tiên, anh đưa vào nuôi thử nghiệm giống bò Thái Lan. Hiện tại mô hình đang duy trì tổng đàn 250 con trâu, trong đó 60 con trâu nái sinh sản.
Mô hình chăn nuôi trâu nhốt là một hướng đi mới của gia đình anh Nguyễn Quang Thông. Anh cho biết, “Tôi đã tìm hiểu nguồn giống và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh; chọn mua trên 100 con trâu giống từ Thái Lan và trên 100 con trâu giống nội địa đưa về nuôi thử nghiệm. Mỗi con trâu giống có trọng lượng 400 kg, sau 4-5 tháng nuôi vỗ béo, mỗi con đã lên tới 600 kg – 650kg có thể xuất bán. Hiện gia đình tôi đang tập trung nuôi vỗ béo số trâu thịt để xuất bán trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Và số trâu nái sinh sản của mô hình này hiện cũng phát triển tốt, khả thi trong nhân giống để phát triển tổng đàn chăn nuôi”
Với 4,9 ha tổng diện tích của trang trại tại thôn Ngọc Mỹ, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê; gia đình đã bố trí trồng 2ha cỏ làm nguồn nguyên liệu phục vụ chăn nuôi đàn trâu. Theo tính toán của gia đình, để đáp ứng đủ nguồn thức ăn cho 250 con trâu thì cần tới 25 ha đất chuyên canh trồng cỏ, trồng ngô gối vụ. Vì vậy, mô hình chăn nuôi trâu của Anh Thông đang chủ yếu thu mua nguyên liệu sản phẩm cây trồng của bà con nông dân trong và ngoài huyện. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật ủ chua các loại cỏ và ngô để dự trữ đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho đàn trâu.
Anh Nguyễn Quang Thông, thôn Ngọc Mỹ, xã Hương Vĩnh khẳng định, “năm 2022, dự định sẽ đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi lên 500 con trâu, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc vừa phục vụ chăn nuôi cho mô hình, vừa cung cấp bán cho người dân phục vụ phát triển chăn nuôi”
Được biết, không chỉ khả quan về hiệu quả kinh tế, mà mô hình này đã góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân và giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho 7 lao động, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp nên khó khăn trong khâu tiêu thụ và giá cả thực phẩm cũng bị ảnh hưởng. Thời điểm này tình hình khó khăn chung và có thể chỉ là khó khăn trước mắt nhưng về lâu dài mô hình nuôi trâu nhốt của anh Thông sẽ đưa lại hiệu quả cao hơn.
Theo tính toán của anh Thông chủ mô hình, với tổng đàn 250 con trâu giống, mỗi con khoảng 400kg, có tổng trọng lượng 100 tấn, nếu thuận lợi, sau 5 đến 6 tháng nuôi phát triển và vỗ béo, tổng đàn trâu 250 con sẽ đạt khoảng 162 tấn thịt, với giá thị trường hiện tại 100.000, đồng/kg, sẽ cho thu nhập khoảng 16 tỷ đồng. Trừ chi phí mua thức ăn, thuốc phòng chống dịch bệnh và trả tiền công chăm sóc cũng cho gia đình thu vài tỷ đồng mỗi năm.
Ông Thái Bá Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê cho biết, “Địa phương cũng tạo thuận lợi, khuyến khích người dân đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi như mô hình của anh Thông. Mô hình này chăn nuôi quy mô lớn đáp ứng điều kiện về đảm bảo môi trường, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương; đồng thời tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân”
Mô hình chăn nuôi trâu nhốt tập trung của anh Nguyễn Quang Thông bước đầu đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng rất thích hợp với điều kiện thời tiết, dễ chăm sóc và phát triển tốt. Đây là một hướng đi mới, mạnh dạn trong phát triển kinh tế, bước đầu cho thấy phù hợp với địa phương có tiềm năng về đất đai, nguồn lao động; góp phần làm giàu chính đáng cho gia đình, giải quyết việc làm cho người dân cũng như thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rong trâu bò của người dân địa phương vùng miền núi.