Tại phiên chất vấn vào cuối buổi chiều ngày 22 và sáng 23/12, đã có 5 câu hỏi thuộc 5 nhóm vấn đề như: Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tình trạng người dân tự ý lấn chiếm đất lâm nghiệp, sẻ phát rừng diễn ra ở một số xã trên địa bàn huyện nhưng chưa được xử lý kịp thời, làm ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự. Việc quản lý và bảo vệ thương hiệu Bưởi Phúc Trạch cam Khe Mây qua tem nhãn chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá cả sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện nhiều cá nhân mở trạm cân, điểm thu mua, tập kết gỗ keo không đúng quy định; tình trạng nhiều xe chở gỗ keo quá khổ, quá trọng tải thường xuyên hoạt động nên đã làm hư, hỏng nhiều tuyến đường giao thông. Thời gian qua việc triển khai thi công một số công trình, dự án chậm tiến độ do khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Để đảm bảo phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt hiệu quả, chất lượng, Thường trực HĐND huyện đề nghị UBND huyện, các ban, ngành được phân công trả lời chất vấn nghiên cứu, chuẩn bị kỹ các nội dung. Câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm, bám sát vấn đề; nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục.
Tại Kỳ họp có 3/5 nội dung thuộc 3 nhóm vấn đề về: Thương mại; nông-lâm nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm được các đại biểu chất vấn tại hội trường.
Về nội dung: Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề bức xúc của Nhân dân; hiện nay trên thị trường có nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Phan Văn Thuận, Trưởng Phòng Y tế huyện cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số cơ sở, các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, thiếu ý thức trách nhiệm với người tiêu dùng, với cộng đồng.
Đại biểu Phan Trọng Trường, Phó Ban Pháp chế HĐND huyện nêu câu hỏi chất vấn...
Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn còn nhỏ lẻ, manh mún, thủ công mang tính hộ gia đình, tự phát, không công bố sản phẩm; chưa có nhiều mô hình sản xuất lớn theo chuỗi an toàn nên rất khó kiểm soát. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chưa rõ ràng nên khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó một số địa phương chưa tập trung cao cho công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện và các địa phương, đoàn kiểm tra liên ngành làm việc kiêm nhiệm, nên sự chỉ đạo còn thiếu kiên quyết và sát sao; kinh nghiệm trong công tác kiểm tra và xử lý sai phạm còn hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Kim Tú, Trường Ban Kinh tế -Xã hội HĐND huyện nêu câu hỏi chất vấn...
Thời gian tới tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, duy trì hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở thực phẩm; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, bán hàng tập trung không đúng quy định và công khai lên phương tiện thông tin đại chúng để khuyến cáo người tiêu dùng biết, lựa chọn.
Đại biểu Hồ Sỹ Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Hà Linh chất vấn...
Về câu hỏi chất vấn: Thời gian qua tình trạng người dân tự ý lấn chiếm đất lâm nghiệp, sẻ phát rừng diễn ra ở một số xã trên địa bàn huyện nhưng chưa được xử lý kịp thời, làm ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự.
Nội dung này, ông Dương Ngọc Hoàng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho rằng: Tình trạng sẻ phát, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là từ cuối năm 2021 đến nay, tập trung tại một số xã, như: Lộc Yên, Hương Xuân, Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Vĩnh, Phú Gia và trên diện tích các chủ rừng nhà nước như Ban QLRPH Hương Khê, Công ty Lâm nghiệp Chúc A làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương như cử tri phản ánh.
Đồng chí Nguyễn Quang Hào - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện
Trong năm 2022, đã xử lý 91 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; trong đó xử lý hành vi chặt phá, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp 72 vụ, bao gồm xử lý hình sự 4 vụ, khởi tố 4 bị can về tội hủy hoại rừng tại các xã Lộc Yên, Phúc Trạch, Hương Xuân và Ban QLRPH Hương Khê; xử lý hành chính 68 vụ phạt tiền 2.474.300.000 đồng, riêng tại Lộc Yên xử lý 39 vụ, hiện nay đang thành lập Tổ công tác tham mưu thực hiện các quyết định xử phạt của một số đối tượng chưa chấp hành; tổ chức cưỡng chế phá bỏ cây keo trồng trái phép, buộc trả lại 10 ha rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại Tiểu khu 227, xã Lộc Yên giao cho UBND xã Lộc Yên trồng lại rừng và quản lý bảo vệ.
Thời gian tới, UBND huyện sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý việc chồng chéo, bất cập trong hồ sơ quản lý rừng và đất lâm nghiệp, đề nghị đánh giá hiệu quả, bất cập việc giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình các nhân trên địa bàn, đồng thời xem xét điều kiện thu hồi rừng và đất lâm nghiệp đối với những hộ gia đình, các nhân vi phạm.
Về câu chất vấn: Trong những năm gần đây UBND huyện đã chỉ đạo tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm cây ăn quả đặc sản của huyện, như: Bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây; tuy vậy, việc quản lý và bảo vệ thương hiệu qua tem nhãn chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá cả sản phẩm.
Thay mặt UBND huyện ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng Kinh tế -Hạ tầng cho biết: Cùng với chỉ đạo phát triển sản xuất, tăng sản lượng, UBND huyện cũng rất quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng, tăng cường chỉ đạo xây dựng, quảng bá thương hiệu; kịp thời ban hành quy chế, quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch, chứng nhận nhãn hiệu cam “Khe Mây”. Số lượng tem được cấp tăng dần hằng năm, năm 2016 chỉ cấp được 10.000 tem, năm 2022 tăng lên 436.000 tem, đồng thời áp dụng quản lý thương hiệu bằng tem nhãn, thống nhất sử dụng 1 loại tem bưởi Phúc Trạch, tích hợp các thông tin của các loại tem còn lại như tem VietGAP, OCOP tạo thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc.
Đại biểu Trương Thị Hằng, Bí thư Đảng ủy xã Hương Xuân chất vấn...
Trong thời gian tới, tăng cường công tác quản lý nhà nước của phòng chuyên môn cấp huyện và UBND các xã; tổ chức thực hiện tốt công tác tiền kiểm, hậu kiểm đối với việc cấp tem nhãn và quá trình, kết quả sử dụng tem nhãn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để đẩy nhanh quá trình đăng ký, cấp tem nhãn, tạo điều kiện thuận lợi và thời gian để tổ chức tiền kiểm sản phẩm trước khi cấp tem nhãn. Quan tâm bố trí, đào tạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách, nhất là đối với cấp cơ sở.
Tại kỳ họp, ông Ngô Xuân Ninh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tiếp thu, làm rõ thêm những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, đồng thời làm rõ một số vấn đề được đại biểu HĐND huyện và cử tri quan tâm; triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, bà Từ Thị Hòa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đánh giá phiên chất vấn cơ bản đạt yêu cầu; không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Các đại biểu HĐND đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng, trọng tâm, tích cực tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề mà đa số cử tri và đại biểu quan tâm.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND cho rằng việc trả lời câu hỏi xung quanh các vấn đề Thương mại; nông-lâm nghiệp có phần chưa thỏa đáng. Chủ tọa kỳ họp yêu cầu UBND huyện và các phòng, ngành liên quan cần tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng nêu trên trong thời gian sớm nhất, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Sau 1,5 ngày làm việc tích cực, nghiêm túc với tinh thần đổi mới, dân chủ và trách nhiệm cao. Trưa ngày 23/12, Kỳ họp thứ 11, HĐND huyện khóa XXI đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Chánh Văn phòng UBND huyện, Thư ký kỳ họp HĐND huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua các Nghị quyết trình tại kỳ họp
Các đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết
Kỳ họp đã thông qua 6 Nghị quyết gồm: Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; Nghị quyết về phân bổ thu - chi ngân sách năm 2023; Nghị quyết phân bổ vốn đầu tư phát triển năm 2023; Nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch Cụm công nghiệp Gia Phố; Nghị quyết kết quả giám sát chất lượng xây dựng và hiệu quả sử dụng các công trình trường học, trạm y tế giai đoạn từ năm 2018 đến thời điểm giám sát và Nghị quyết về kế hoạch tổ chức Kỳ họp thường lệ năm 2023.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Từ Thị Hòa khẳng định: Kỳ họp thứ 11 HĐND huyện đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. HĐND huyện đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022; phân tích rõ nguyên nhân đối với những chỉ tiêu đạt thấp; trên cơ sở đó, xem xét, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023; xem xét và thông qua 6 nghị quyết trên các lĩnh vực. Đây là những quyết sách quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.
Về nhiệm vụ trước mắt, Chủ tịch HĐND huyện đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng. Tập trung chăm lo tết cho người nghèo, người có công với cách mạng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn trước, trong, sau dịp Tết nguyên đán Quí Mão 2023.