Nói đến tấm gương chịu khó, năng động trong phát triển kinh tế gia đình ở xã Hương Long, huyện Hương Khê không thể không nhắc đến giáo dân Trần Thanh Sơn . Anh là người có kinh nghiệm làm vườn nhiều năm,với mức thu nhập hiện tại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Năm 2016, được cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện về đất đai và các chính sách hỗ trợ, anh Sơn đã nhận 2 ha đất thuộc thôn 4 xã Hương Long để quy hoạch mô hình kinh tế tổng hợp trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia cầm, thủy sản. Anh đã quy hoạch trồng 700 gốc Bưởi Phúc Trạch, Bưởi Da xanh, Cam các loại; 200 cây mít, xoài, nhãn; chăn nuôi 1.500 con vịt, 300 con gà và đào hai ao cá với gần 1.000m2. Bước đầu, mô hình trang trại của gia đình anh cho thu nhập trên 250 triệu đồng từ chăn nuôi gia cầm, thủy sản.
Dự kiến năm 2020 này, số Bưởi Da xanh và Bưởi Phúc trạch gia đình đã trồng 3 năm trước sẽ cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Anh Sơn cho rằng: “để có được kết quả này ngoài nổ lực chịu khó của bản thân và gia đình, anh cũng rất biết ơn sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình về đất đai, tập huấn khoa học kỹ thuật và luôn thăm hỏi động viên anh vươn lên để phát triển kinh tế”
Còn đối với mô hình vườn mẫu của gia đình giáo dân Nguyễn Văn Phượng, thôn 3, xã Hương Long. Dù có lợi thế về diện tích đất rộng, với 3.600m2 nhưng khu vực này trước đây nhiều ao hồ, không bằng phẳng, đất cằn sỏi đá nên bị bỏ bê suốt một thời gian dài. Để có được mô hình vườn mẫu phủ kín màu xanh, cây trái sum suê, gia đình anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, đổ hàng trăm xe đất màu, tạo nên một mô hình vườn mẫu, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, cho hiệu qủa kinh tế cao. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, dưới các tán cây ăn quả, anh Phượng đã bố trí trồng hai loại cây Riềng và Sả. Chỉ tính riêng hai cây ngắn ngày này cũng cho gia đình thu nhập 70 triệu đồng mỗi năm.
Hiện mô hình vườn mẫu của gia đình đã khép kín 60 cây Bưởi Phúc Trạch và Bưởi Da xanh; 100 gốc tiêu và 100 cây mít, ổi, chuối. Chăn nuôi 5 con trâu, bò và trên 100 con gia cầm các loại. Số diện tích còn lại chưa có điều kiện cải tạo, gia đình đã trồng keo lá tràm. Bình quân hàng năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Sau hơn hai năm bỏ công sức đầu tư xây dựng, Mô hình vườn mẫu của gia đình giáo dân Nguyễn Văn Phượng đã cho hiệu quả kinh tế cao nhờ sự nổ lực, quyết tâm, vươn lên của vợ chồng và sự động viên khích lệ của lãnh đạo địa phương.Anh Nguyễn Văn Phượng cho biết: “Để xây dựng thành công mô hình vườn mẫu trước hết là có quỹ đất đảm bảo, thực hiện quy hoạch bài bản và lựa chọn cây, con phù hợp. Có như vậy vườn mẫu vừa đẹp và sẽ cho hiệu quả kinh tế cao”
Với anh Nguyễn Sông Hồng ở thôn 8 xã Hương Long lại là một trong những hộ gia đình tiên phong đưa con Hươu nhân giống và phát triển trên địa bàn từ hàng chục năm trước.Từ chỗ chỉ nuôi một vài con ban đầu, thấy hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện của địa phương,anh Hồng đã đầu tư mở rộng chuồng trại và mua con giống để tăng đàn hàng năm. Hiện tại, mô hình của anh nuôi 30 con Hươu lấy Nhung và hươu sinh sản, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Nhờ nuôi Hươu mà kinh tế gia đình ổn định, có điều kiện nuôi các con ăn học, trưởng thành. Từ mô hình của anh Hồng, đến nay, toàn xã Hương Long đã có 55 hộ chăn nuôi hươu, với tổng đàn 294 con và là địa phương có sản phẩm nhung hươu lớn nhất toàn huyện Hương Khê. Hiện xã Hương Long đang lựa chọn sản phẩm Nhung Hươu, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Anh Hồng mong muốn “sẽ được tham gia chương trình này để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị nhung Hươu, có thị trường tiêu thụ ổn định”
Trên đây chỉ là 3 trong tổng số 50 mô hình kinh tế tiêu biểu của bà con giáo dân xã Hương Long. Toàn xã hiện có 103 mô hình kinh tế cho doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó có 4 mô hình lớn, 3 mô hình vừa, 96 mô hình nhỏ.Các mô hình chủ yếu tập trung trồng các loại cây ăn quả có múi như: bưởi, cam, mít và phát triển chăn nuôi hươu, trâu bò, gia cầm, thủy cầm. Góp phần nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trồng trọt trên đơn vị diện tích đạt 75 triệu đồng/1 ha. Tổng giá trị sản xuất toàn xã ước đạt 159 tỷ đồng, trong đó Nông nghiệp đạt 56,2 tỷ đồng, chiếm gần 35%. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 34 triệu đồng/ 1 năm.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Hương Long khẳng định: “Nhờ phong trào phát triển kinh tế của bà con nhân dân, trong đó có rất nhiều hộ giáo dân trên địa bàn đã tích cực đầu tư và chăm lo xây dựng mô hình vườn mẫu, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn đã giúp địa phương hoàn thành tiêu chí về sản xuất, thu nhập và vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, xã tiếp tục động viên bà con nhân dân và có chính sách khuyến khích để phát triển phong trào này đạt kết quả cao hơn nữa”
Có thể khẳng định, phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế từ các mô hình trang trại tổng hợp, xây dựng vườn mẫu của bà con giáo dân nói riêng và nhân dân xã Hương Long nói chung thời gian qua đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, làm giàu chính đáng cho người dân và góp sức cùng địa phương xây dựng thành công nông thôn mới. Trên bước đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, Hương Long đang tiếp tục đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên nhân dân tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, phát huy tiềm năng lợi thế đất đai, lao động và các cây con chủ lực của địa phương để tập trung xây dựng các mô hình kinh tế quy mô lớn, làm giàu, đẹp cho quê hương.