Tính từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã tiếp nhận 5 đợt với tổng số 255 đầu sách (6.285 cuốn), như: sổ tay 19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; các loại sách về trang bị kỹ năng của cán bộ cơ sở, sách về Luật đất đai, Luật phòng, chống bạo lực gia đình...và 22 đĩa CD-Rom “Hồ Chí Minh toàn tập”. 21/21 xã, thị trấn và 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều có tủ sách cơ sở, tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách, thu hút hơn 6.000 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân ở cơ sở tham khảo, nghiên cứu, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác. Các đầu sách của Đề án trang bị được giao cho cán bộ phụ trách tư pháp, phụ trách văn hóa quản lí, mở sổ theo dõi, hướng dẫn việc đọc, mượn sách.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã quan tâm bổ sung kinh phí, huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng tủ sách, ngăn sách, bổ sung nhiều đầu sách mới; vận động các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân thường xuyên tặng sách, báo liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực bổ sung vào nguồn sách ở các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, trung tâm học tập cộng đồng góp phần làm phong phú thêm lượng thông tin về tất cả các mặt, lĩnh vực của xã hội.
Ngày hội đọc sách năm 2018....
Bên cạnh kết quả đạt được, việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng sách theo Đề án trên địa bàn huyện còn một số mặt hạn chế, như: Một số cấp ủy ở cơ sở vẫn chưa quan tâm sâu sát đến việc triển khai Đề án, chưa chỉ đạo kịp thời việc xây dựng quy chế quản lý và sử dụng tủ sách trang bị trong Đề án. Thói quen đọc sách, tìm hiểu thông tin từ sách, báo, tài liệu của cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân chưa thường xuyên, vì vậy tần suất khai thác, sử dụng sách thuộc Đề án chưa cao. Địa điểm đặt các tủ sách hiện nay ở các xã, thị trấn chủ yếu là tại phòng làm việc, chưa bố trí được phòng đọc sách riêng nên chưa tạo được không gian yên tĩnh để người đọc nghiên cứu. Tủ sách được trang bị ở một số thôn còn nhỏ, vật liệu không chắc, nhất là ở địa bàn thường bị ngập lụt, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sưu tầm, lưu trữ và khai thác sách. Các xã, thị trấn không có cán bộ chuyên trách làm công tác thư viện, hầu hết cán bộ quản lý tủ sách là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nên việc quản lý, bảo quản, khai thác và sử dụng sách được trang bị chưa chặt chẽ, thiếu khoa học.
Đề án trang bị sách cho xã, thị trấn là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, thiết thực của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Để việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng sách ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, huyện Hương Khê xác định một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về văn hóa đọc sách; tuyên truyền, giới thiệu danh mục sách ở cơ sở để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm, chủ động tìm đến những loại sách phù hợp nhu cầu nghiên cứu của mình; luân chuyển sách, copy đĩa CD để người dân đọc sách bằng nhiều hình thức, tiếp cận với nhiều loại sách, tư liệu hơn.
Thứ hai, đề xuất trang bị thêm các đầu sách, tư liệu, tài liệu cho các tủ sách tại các địa bàn thôn, tổ dân phố; huy động xã hội hóa để bổ sung thêm các đầu sách phù hợp với nhiều độ tuổi, như người già, trẻ em, thanh niên,... để làm phong phú thêm các đối tượng đọc sách và bố trí không gian phù hợp, thoải mái để người dân dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu.
Thứ ba, tổ chức các lớp tập huấn về quản lí, bảo quản, phân bổ và sử dụng sách cho các cán bộ phụ trách cấp xã, thị trấn; cán bộ thôn, tổ dân phố để việc thực hiện được đảm bảo hơn. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc quản lí và sử dụng theo Đề án tại cơ sở, kịp thời bổ cứu các hạn chế. Khuyến khích những cách làm, mô hình sáng tạo, hiệu quả để triển khai trong toàn huyện.
Thứ tư, thường xuyên khảo sát về nhu cầu đọc, nghiên cứu sách, tài liệu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để thanh lọc những cuốn sách không còn phù hợp theo thời gian và bổ sung những loại sách mới, cập nhật để người dân dễ tìm và đọc sách khi có nhu cầu.