Là một huyện miền núi khó khăn, địa bàn rộng, chia cắt phức tạp, điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như mưa lũ, hạn hán, giá rét; đời sống thu nhập của Nhân dân thấp, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tiếp cận khoa học kỹ thuật, liên doanh, liên kết trong phát triển sản xuất còn hạn chế. Huy động nguồn lực khó khăn; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân còn thấp, vẫn còn biểu hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Sau 10 năm triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở Hương Khê đã thay đổi toàn diện. Cấp ủy chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở đã vận dụng linh hoạt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đồng thời lựa chọn nội dung công việc có tính đột phá, kịp thời ban hành cơ chế chính sách phù hợp. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc hiến kế, hiến đất, ủng hộ tiền, góp sức giải phóng mặt bằng.
Đến nay, toàn huyện đạt 320 tiêu chí (tăng 98 tiêu chí so với năm 2015; 251 tiêu chí so với năm 2010), bình quân đạt 15,2 tiêu chí/xã; có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 11 thôn đạt chuẩn khu dân cư mẫu.Thu nhập bình quân đầu người là 37 triệu đồng tăng gấp 4 lần so với thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 9,66%, hộ cận nghèo 6,47%; so với năm 2010, hộ nghèo giảm 9.763 hộ (giảm 34,34%), hộ cận nghèo giảm 2.209 hộ (giảm 8,11%).
Toàn huyện huy động làm được trên 919 km đường giao thông, 35 km rãnh thoát nước được bê tông hóa; Xây mới gần 600 công trình dân sinh và hàng trăm công trình văn hóa xã hội khác.Tổng nguồn lực xây dựng NTM từ 2010 đến 2019 đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 197 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 112 tỷ đồng; ngân sách huyện trên 36 tỷ đồng; ngân sách xã trên 52 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp trên 636 tỷ và nguồn tài trợ đỡ đầu trên 54 tỷ đồng.
Mục tiêu đên cuối năm 2019 có thêm 02 xã Hương Long, Hương Đô đạt chuẩn nông thôn mới; xã Hương Trà đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 13 tiêu chí; mỗi xã có thêm ít nhất một khu dân cư mẫu và 10 vườn mẫu đạt chuẩn. Các xã đã đạt chuẩn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đến cuối năm 2020 có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm (Lộc Yên, Hương Xuân, Hương Giang, Hương Bình), 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đó là (Hương Trạch, Phú Phong); không còn xã dưới 15 tiêu chí.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Huy Oánh Chánh Văn phòng NTM tỉnh đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạovà huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân Chung sức xây dựng NTM. Hương Khê đã đóng góp tích cực vào thành tích xây dựng NTM chung toàn tỉnh. Trong 10 năm xây dựng NTM, địa phương đã có cách làm quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả. Không chỉ là sự đổi mới của những vùng quê, từ các công trình xây dựng, mà hơn thế còn hình thành nên con người mới, tư duy, phương thức sản xuất mới, tầm nhìn và lối sống mới.
Chánh Văn Phòng NTM tỉnh đề nghị huyện Hương Khê tiếp tục rút ra bài học kinh nghiệm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện, là người thụ hưởng các kết quả từ chương trình xây dựng NTM. Để đạt mục tiêu huyện NTM trước năm 2020, huyện Hương Khê cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp.
Nhân dịp này, huyện Hương Khê đã khen thưởng 10 tập thể và 20 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020.