Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền cho trên 6.800 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực quan, phát tờ rơi và qua mạng internet; xây dựng ban hành trên 90 văn bản để cụ thể hóa, triển khai thực hiện.
Sau 10 năm, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực: Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đạt trên 90%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm đạt 85%; 90 % cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện và ký cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm; 57 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận VietGap các sản phẩm chủ yếu cam, bưởi...; 3 sản phẩm OCOP áp dụng thực hành nông nghiệp tốt như Bưởi Phát Lộc, Bưởi Hoàn Thắng, Cam Long Nhâm; xây dựng 2 chuỗi liên kết Bánh đa gia vị Phú Tài, Hương bài Thảo Mộc... Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn chỉ xẩy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể (xã Hòa Hải), không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm. Đảm bảo tỷ lệ ngộ độc thực phẩm dưới 6/100.000 dân như kế hoạch đề ra.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các cấp, các ngành được chú trọng. Từ năm 2012 đến nay, các ngành liên quan đã tổ chức hơn 100 lớp tập huấn cho gần hàng ngàn đối tượng là cán bộ quản lý an toàn thực phẩm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ăn uống trên địa bàn được quản lý chặt chẽ. Hầu hết các cơ sở thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; 100% cơ sở bếp ăn tập thể trường học, cửa hàng ăn uống ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm được chú trọng. Từ năm 2011-2020 tổ chức thanh, kiểm tra được 8.860 lượt cơ sở, phát hiện 881 lượt cơ sở bị vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền 385 lượt cơ sở, nhắc nhở 496 lượt cơ sở, thu nộp vào ngân sách nhà nước trên 438.050.000đ.
Tuy vậy, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn bộc lộ những khó khăn, thách thức, đó là: Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa rõ nét. Các đoàn kiểm tra tại các xã, thị trấn chưa đủ mạnh, thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm tra và xử lý nên trong quá trình thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm còn nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình. Công nghệ chế biến thực phẩm chưa được cải thiện, còn thủ công; ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng chưa cao. Sự phối hợp giữa các phòng, ngành, đơn vị trong công tác an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, đặc biệt thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch covid-19 nên công tác tuyên truyển phổ biến giáo dục pháp luật; thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Cấp ủy, chính quyền huyện xác định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, vì vậy, trong thời gian tới tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp:
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về vai trò của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của nhân dân; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 và Kết luận số 11 -KL/TW ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Củng cố, kiện toàn đội ngũ thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm. Bố trí hợp lí đội ngũ chuyên trách, kiêm nhiệm an toàn thực phẩm từ huyện đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các cấp. Tăng cường đầu tư đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí hoạt động đối với công tác đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của người dân về an toàn thực phẩm. Biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phảm đảm bảo an toàn thực phẩm; công bố tên, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm cho người dân được biết. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về an toàn thực phẩm.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xach, sạch; khuyến khích đầu tư, sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn với chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm; đổi mới công nghệ sản xuất thực phẩm, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn phù hợp với điều kiện, mô hình, đặc điểm tự nhiên của địa bàn. Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, áp dụng rộng rãi các mô hình VietGAP để nâng cao giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp.