Trong hơn một năm qua, tỷ lệ sinh trên 2 con của toàn tỉnh là 34,57%, tăng 2,38% so với năm 2020, riêng huyện Hương Khê, tỷ lệ này là 25,7%, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả này, đội ngũ cán bộ và cộng tác viên dân số ở địa phương đã phải nỗ lực bám nắm cơ sở, phát huy cao độ trách nhiệm để làm thay đổi dần nhận thức của người dân.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là hình ảnh không còn xa lạ của đội ngũ làm công tác dân số đối với người dân xã Hương Đô, huyện Hương Khê. Xã có 1.480 hộ dân với 3.800 nhân khẩu, trong đó trên 11% là giáo dân; đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, quan niệm “đông con hơn nhiều của” vẫn còn tồn tại trong không ít gia đình.
“Mưa dầm thấm lâu”, bằng nhiều biện pháp như truyền thông lồng ghép, sinh hoạt nhóm kết hợp với hoạt động của hội phụ nữ, kiên trì tìm hiểu, chia sẻ tâm tư với bà con, đã dần làm chuyển biến nhận thức, hành động của người dân về vấn đề dân số. Chị Nguyễn Thị Quyên, thôn 3 xã Hương Đô chia sẻ “Nhà tôi mở cửa hàng tạp hóa nên rất bận rộn, không có thời gian để đi khám và tư vấn về KHHGĐ. Chia sẻ cùng gia đình, các anh chị cộng tác viên dân số xã đã đến tận nhà, tư vấn cho vợ chồng tôi về các biện pháp tránh thai phù hợp cũng như những kiến thức cơ bản về một số bệnh thường gặp ở phụ nữ”
Từ đầu năm đến nay, cộng tác viên dân số các thôn trong xã đã trực tiếp xuống từng hộ gia đình, tư vấn được 42 nhóm với 1098 lượt người nghe, tổ chức các buổi truyền thông lưu động, kết hợp với Trạm y tế thực hiện các biện pháp tránh thai mới và hướng dẫn bà mẹ mang thai cách chăm sóc nuôi con nhỏ an toàn ngay từ khi trẻ mới được sinh ra.
Chị Trần Thị Anh Thơ, Trạm y tế xã Hương Đô cho biết “Chúng tôi cũng như nhiều CTV dân số khác đã đưa các chính sách dân số - KHHGĐ đến với người dân; giúp chính quyền có những số liệu tin cậy, cập nhật về tình hình DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng, chống suy dinh dưỡng; phòng, chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, để đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhất cho từng đối tượng trong từng giai đoạn tại địa phương”
Cùng với đó, để góp phần thực hiện chỉ tiêu kế hoạch dân số - KHHGĐ, huyện Hương Khê đang triển khai đợt 1chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tại các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao. Chiến dịch đã thu hút được đông đảo chị em phụ nữ tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực. Chị Hoàng Thị Hồng Minh, thôn 10, xã Phúc Trạch nói “Mặc dù bận rộn, nhưng khi được cộng tác viên thông báo Trung tâm Y tế huyện triển khai chiến dịch, tôi đã gác lại công việc nhà cùng chị em trong thôn đến tham gia. Tại đây, chúng tôi được cán bộ y tế tư vấn giải đáp các thắc mắc về SKSS/KHHGĐ, thăm khám miễn phí các bệnh viêm nhiễm phụ khoa và phổ biến một số chính sách dân số để có định hướng cho bản thân trong việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái”.
So với năm 2021, năm nay, chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở huyện Hương Khê diễn ra sớm hơn. Ông Trần Văn Định - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cho biết: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động tham mưu huyện phân bổ nguồn kinh phí 100 triệu đồng cho các hoạt động về công tác dân số. Từ đó, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ, chiến dịch đợt 1 tại 15/21 xã, thị trấn trên toàn huyện”
Việc triển khai chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ngay từ đầu năm cũng như các biện pháp như truyền thông lồng ghép, đã tạo khí thế cho công tác dân số ở cơ sở sau thời gian dài bị ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao ý thức chăm sóc SKSS của người dân, mà qua đó, ngành dân số cũng mong muốn các cấp ủy, chính quyền vào cuộc, chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ ở những vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao.