Đồng chí Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê: Đã phối hợp khảo sát nhu cầu, thực trạng sản xuất của các hộ dân có nguyện vọng ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn với doanh nghiệp Quế Lâm để tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất theo chuỗi.
Tại lễ ký kết, các đại biểu tập trung đánh giá thuận lợi, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hương Khê. Theo đó, toàn huyện hiện có hơn 100ha cây ăn quả được sản xuất theo quy trình VietGAP, 10ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 6ha sản xuất theo quy trình GlobalGAP; 11 cơ sở chăn nuôi được sản xuất theo quy trình VietGAP.
Chị Trần Huyền Ân (xã Hương Trạch) cam kết sẽ tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tuân thủ nghiêm theo quy trình của doanh nghiệp Quế Lâm.
Tuy nhiên, nông nghiệp ở huyện Hương Khê vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, chương trình ký kết hợp tác với doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 – 2030; chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn; nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế trong phát triển sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ.
Sau thảo luận, UBND huyện Hương Khê và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Theo đó, hai bên sẽ hợp tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân trong việc sản xuất và sử dụng nông sản hữu cơ, sạch, an toàn; chuyển đổi từ tập quán sản xuất vô cơ sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững. Hợp tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân nhằm phổ biến kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ, hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng chí Nguyễn Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị huyện Hương Khê tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Đặc biệt, hợp tác xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp như chuỗi giá trị sản xuất lợn, bò vàng, dê, gà thịt, lúa, rau củ quả, cây ăn quả (bưởi Phúc Trạch, cam, vú sữa tím, thanh long ruột đỏ, ổi) hướng hữu cơ và hữu cơ. Đồng thời, hợp tác đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hữu cơ. Hợp tác cải tạo đất, nâng cao độ phì của đất. Hợp tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp…
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm: Chúng tôi muốn dẫn dắt nông dân Hà Tĩnh, trong đó có bà con Hương Khê hướng tới sản xuất sản phẩm đặc sản, đặc thù, giá trị kinh tế cao.
Trong đó, doanh nghiệp Quế Lâm sẽ cung cấp con giống hữu cơ; phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ vi sinh cao cấp, phân hữu cơ khoáng, các chế phẩm sinh học mang thương hiệu Quế Lâm đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng đến tận hộ nông dân, các chương trình, dự án để sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng trên địa bàn huyện để giới thiệu, hướng dẫn tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nông dân.
Cùng với đó, chủ trì, phối hợp tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho người nông dân tham gia sản xuất theo các chương trình, dự án hợp tác và liên kết về chăn nuôi và trồng trọt trên địa bàn huyện. Trên cơ sở biên bản ghi nhớ hợp tác, Quế Lâm sẽ có các hợp đồng kinh tế cụ thể cho các chương trình, dự án, các chuỗi liên kết, các hộ nông dân, các hợp tác xã tham gia trực tiếp hợp tác.
Đồng chí Nguyễn Thanh Điện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hương Khê phát biểu tại lễ ký kết.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thanh Điện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hương Khê đề nghị: UBND huyện cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị số 52-CT/HU ngày 25/9/2024 của BTV Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện, giai đoạn 2024 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; nội dung ký kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng kế hoạch chi tiết, giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, đơn vị theo từng năm, từng mùa vụ.
Trước mắt, phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm triển khai xây dựng thành công 17 mô hình, từ đó đánh giá, tổng kết thực tiễn để nhân ra diện rộng đối với các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của huyện. Lồng ghép chính sách hỗ trợ cho người dân xây dựng mô hình liên kết; hướng dẫn, chuyển giao khoa học công nghệ cho các hộ sản xuất; tham gia liên kết sản xuất phát triển bền vững. Khảo sát, lựa chọn, xây dựng một số cửa hàng thí điểm để trưng bày, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên địa bàn huyện.