Kiểm tra tại hộ ông Trương Minh Tuấn (Thôn Bình Hải, xã Hương Bình), với mô hình chăn nuôi gà quy mô 13 ngàn con, đang mở rộng quy mô xây dựng thêm 1 chuồng mới có quy mô 15 ngàn con, hiện nay đã nuôi được 10 lứa.
Đoàn đã tổ chức kiểm tra hồ sơ tại Hội Nông dân huyện, 1 số xã và mô hình, địa chỉ thực hiện nhiệm vụ của Hội Nông dân huyện Hương Khê tại cơ sở. Kiểm tra tại hộ ông Dương Danh Tú (Thôn Bình Thái, xã Hương Bình), với mô hình Nuôi hươu, quy mô 80 con và hộ Trần Thị Vinh, với mô hình nuôi Ốc bươu đen, mỗi năm cho thu hoạch trên 1 tấn ốc thịt, và 7 tạ ốc giống.
Qua kiểm tra và làm việc, đồng chí Trần Đình Ước, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm đối với Hội nông dân huyện và phong trào nông dân Hương Khê năm 2025.
ĐC Trần Đình Ước thăm mô hình hộ Dương Danh Tú (Thôn Bình Thái, xã Hương Bình)
Theo đó, năm 2024 được sự quan tâm của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh và Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các phòng, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt 29/31 chỉ tiêu tỉnh giao, với nhiều kết quả khá nổi bật, như:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ năm 2024 có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp; hướng mạnh về cơ sở, quan tâm chăm lo đến quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân, nhờ đó đã có 29/31 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao, tiêu biểu: xây dựng công trình chào mừng (đạt 500%, Giới thiệu hội viên ưu tú được chi bộ bồi dưỡng kết nạp Đảng (119%), tổ chức giám sát chuyên đề, phản biện xã hội (200%), tham mưu cho cấp ủy cùng cấp tổ chức đối thoại với hội viên nông dân (136%), tổ chức Lễ phát động phong trào nông dân thi đua; chủ trì xây dựng ít nhất 3 mô hình kinh tế gắn với chuyển đổi số, tập trung tích tụ ruộng đất; sản xuất kinh doanh đảm bảo ATTP, hữu cơ, tuần hoàn, VietGAP, GlobalGAP (300%), Cài đặt, kích hoạt và sử dụng nền tảng số (141%), kết nối tiêu thụ nông sản đạt 542 tấn…
Đồng chí Dương Trí Thức, Hội Nông dân tỉnh phát biểu.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân được các cấp Hội chú trọng đổi mới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung trọng tâm là các Chỉ thị, Nghị quyết của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2023-2028; Nghị quyết 46-NQ/TW ; tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất" và Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến tất cả các chi hội trong toàn huyện gắn với kết nạp hội viên mới.
Đổi mới hình thức giao ban tại 4 cụm thi đua gắn với tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình kinh tế.
Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội xây dựng các mô hình mới trong tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là Mô hình Câu lạc bộ ”Nông dân hướng tới có lương hưu” gắn với mô hình cây bảo hiểm.
Tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc, nhất là việc chú trọng đến thực hiện Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cụ thể: Vụ Xuân tổ chức Hội thi ”Nông dân cày ruộng giỏi”, Vụ Hè Thu tổ chức ra quân giúp bà con đồng bào dân tộc Chứt (Bản Giàng II, xã Hương Vĩnh) gieo lúa, chăm sóc (năng suất đạt 2,5 đến 3 tạ/sào, cao hơn nhiều lần so với mức bình quân của toàn huyện), đến vụ Đông HND huyện tổ chức ra quân làm mô hình" trồng hành tăm gây quỹ” tại bản Rào Tre, xã Hương Liên và phát động toàn huyện tổ chức triển khai; phối hợp với Bảo hiệm xã hội huyện ra mắt mô hình “Nông dân hướng tới có lương hưu” và truyền thông chính sách tại bản Phú Lâm, tại đây đã có 28 người dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó có 9 hội viên dân tộc Lào.
Tổ chức tốt dịch vụ hỗ trợ nông dân, nổi bật là cung ứng phân bón trả chậm và kết nối tiêu thụ nông sản. Trong năm, 21/21 đơn vị thực hiện cung ứng trên 900 tấn phân bón các loại, trong đó có 3 đơn vị bước đầu khởi sắc: Thị trấn, Hương Xuân, Gia Phố... Phối hợp mở 2 điểm giới thiệu và bán bưởi Phúc Trạch tại Hà Nội, kết nối tiêu thụ 542 tấn nông sản các loại.
Tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có hoạt động rõ nét: Chủ trì tổ chức 02 cuộc giám sát chuyên đề về Chính sách phát triển lâm nghiệp tại Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh và tham mưu tổ chức 01 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân huyện nhà. Tham mưu, chủ trì phối hợp tổ chức được 1 lớp nhận thức về đảng cho 32 cán bộ, hội viên, nông dân; số cán bộ, hội viên được kết nạp vượt chỉ tiêu tỉnh giao; là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh được Bộ Công an tặng Bằng khen trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2019 – 2024.
Tổ chức tốt các hoạt động gây quỹ tặng quà Tết cho cán bộ, hội viên gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bằng nhiều hình thức như: xã hội hóa, bán hàng, rửa xe, lao động,… trao tặng 397 suất quà Tết số tiền 101.530.000 đồng; hỗ trợ 452 hộ hội viên nghèo, khó khăn, đồng bào dân tộc, với tổng trị giá 206 triệu đồng cho tân binh, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ, hội viên khó khăn; đỡ đầu 3 trẻ mồ côi.
Việc vận động hội viên, nông dân xây dựng mô hình kinh tế có nhiều nét mới, được sự quan tâm của dư luận và nông dân ở nhiều địa phương, thu hút nhiều đoàn khách về tham quan, học tập kinh nghiêm. Tiêu biểu như: mô hình trồng Lúa cạn tại Lộc Yên, mô hình trồng dưa chuột có liên kết tại Lộc Yên, mô hình cam khe mây hộ gia đình Phương Oánh, Phúc Hòa; mô hình sản xuất đũa cau, hương và chế tác trầm tại Phúc Trạch.
Công tác lưu trữ hồ sơ, sổ sách và triển khai thực hiện nhiệm vụ của Hội Nông dân huyện Hương Khê cụ thể, bài bản, nghiêm túc, với 201 văn bản được ban hành (36 Kế hoạch; 67 Công văn; 19 Quyết định; 01 Chương trình hành động; 2 Hướng dẫn; 47 báo cáo; 22 Tờ trình, 7 Thông báo).
Đồng chí Trần ĐÌnh Ước, Phó Chủ tịc HND tỉnh phát biểu kết luận cuộc kiểm tra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế, đó là: Việc lưu trữ hồ sơ một số nội dung ở cơ sở thiếu cụ thể, nhất là biên bản sinh hoạt Tổ hội nghề nghiệp; Việc thu hồi nợ phân bón chậm. Trong biện bản sinh hoạt chi hội chưa thể hiện rõ nội dung tuyên truyền, nhất là các Nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ nông dân. Việc thực hiện nhiệm vụ cần có địa chỉ, hồ sơ, danh sách, hình ảnh theo dõi rõ ràng; Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở một số cơ sở Hội chưa được đổi mới, hiệu quả chưa cao, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ứng dụng chuyển đổi số, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Còn 2 chỉ tiêu (Tin bài và Cửa hàng nông sản an toàn) chưa đạt.
Đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hương Khê tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và lợi thế của đơn vị; tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở để hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân Hương Khê thời gian tới đạt nhiều kết quả cao hơn, có tính đồng đều giữa các đơn vị cơ sở Hội.