Với diện tích trên 2.000m2, nhiều năm gia đình ông Nguyễn Đình Sáng, thôn Tân Đình, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê trồng cây hoa Lan không mấy hiệu quả.Năm nay, gia đình ông Sáng đã xây dựng mô hình nhà lưới, trồng trên 6.000 cây dưa lưới, mỗi cây cho một quả với trọng lượng từ 1,2 đến 1,5 kg, ước tính sản lượng trên 8 tấn.Vụ đầu tiên ông xuất bán tại vườn với giá 40 ngàn đồng/1 kg, tính ra cho thu nhập trên 300 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư, mô hình cho lãi ròng gần 150 triệu đồng. Được biết, đây là mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng thứ 2 trên địa bàn huyện Hương Khê,ứng dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở ra hướng kinh doanh mới cho hội viên Nông dân.
Ông Nguyễn Đình Sáng,thôn Tân Đình, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê chia sẻ “Bản thân tôi cũng đã kinh doanh nhiều nghề, trồng nhiều loại cây, tuy nhiên mỗi giai đoạn khác nhau, đòi hỏi người nông dân phải trăn trở… Được sự hổ trợ về mặt kiến thức của Hội Nông dân tỉnh, huyện, tôi học hỏi thêm mô hình trồng dưa lưới tại các tỉnh, bước đầu đã thành công. Tuy nhiên, thông qua cửa hàng nông sản của Hội, tôi muốn được trưng bày và quảng bá sản phẩm của mình để cho mọi biết đến, cũng như đồng hành người dân bao tiêu sản phẩm”
Còn tại là mô hình trồng bưởi Phúc Trạch trên 7 năm tuổi của gia đình hội viên nông dân Nguyễn Xuân Lộc, thôn Hương Yên xã Lộc Yên. Với diện tích 1 ha, ông Lộc đã qui hoạch trồng trên 300 gốc bưởi Phúc Trạch, cam và một số cây ăn quả khác. Nhờ đầu tư bài bản, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên số diện tích cây trồng của gia đình ông đã phát triển tốt. Vụ bưởi năm ngoái gia đình ông thu về trên 500 triệu đồng, riêng năm nay, lượng quả tăng gấp 2 đến gấp 3 lần. Hiện ông đã xuất bán hơn một nửa, dự tính thu về trên 300 triệu đồng.Ông Nguyễn Xuân Lộc,thôn Hương Yên, xã Lộc Yên cho biết “Năm nay bưởi được mùa, nhưng giá không cao bằng năm ngoái, bưởi của gia đình tôi chủ yếu là khách quen, Hà Nội, Vinh vào lấy tận nhà, nên không lo đầu ra sản phẩm. Chỉ mong sắp tới, bưởi được giá hơn…”
Nói đến chủ thể người nông dân trong việc phát triển kinh tế vườn, trang trại từ cây bưởi Phúc Trạch, không thể không nhắc đến xã Hương Trạch. Hiện nay toàn xã có 360 ha bưởi, trong đó 200 ha đã cho thu hoạch. Ngoại trừ một số vườn bưởi đã bắt đầu chín và một số gia đình đã thu hái xuất ra thị trường, thì hầu hết các chủ vườn đều đang chờ thời điểm bưởi chín đúng vị mới cắt bán. Là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân xã Hương Trạch đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện cùng các tổ chức khác, tổ chức hàng chục lớp tập huấn sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhiều cuộc hội thảo về sử dụng phân bón, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất bưởi. Qua đó, nâng cao kỹ thuật trồng trọt cho bà con, nhân rộng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phan Đức Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Trạch cho biết “Hiện nay toàn xã có khoảng 1.300 hộ trồng bưởi có thu nhập, trong đó khoảng 100 hộ thu nhập từ 50 đến 90 triệu đồng, 50 hộ thu nhập trên 100 triệu đồng và 25 hộ thu nhập từ 200 đến trên 300 triệu đồng. Hiện nay, Hội Nông dân Hương Trạch đang đẩy mạnh việc thành lập tổ hợp tác trồng bưởi, liên kết với doanh nghiệp, cửa hàng nông sản an toàn qua kênh Hội Nông dân để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất”
Với phương châm tập trung hướng về cơ sở, từ đầu năm đến nay,Hội Nông dân huyện Hương Khê đã có nhiều hoạt động dịch vụ, tư vấn dạy nghề, khâu nối cho vay vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tạo điều kiện giúp các hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần cùng địa phương thực hiện thành công chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.Ông Võ Viết Minh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê cho biết: “Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện tiếp tục theo dõi và phát huy hiệu quả các dự án đã triển khai trên địa bàn huyện từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đồng thời lựa chọn mô hình phù hợp để xây dựng dự án dựa trên nhu cầu thực tế của hội viên. Tăng cường giám sát trình tự cho vay đúng quy trình và kiểm tra việc sử dụng vốn của hội viên để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích. Hiện nay trên địa bàn toàn huyện chúng tôi đã thành lập được gần 200 THT trồng và chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch, ra mắt 2 cửa hàng nông sản an toàn, để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của người nông dân”
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Nông dân Hương Khê đã trực tiếp đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với hội viên, góp phần củng cố và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm nòng cốt cho phong trào nông dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, làm giàu và chung tay xây dựng Nông thôn mới.