Đồng chí Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện chủ trì tại điểm cầu huyện Hương Khê.
Tại hội nghị, các đại biểu được quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ tư, ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Luật gồm 6 chương 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, là cơ sở vững chắc cho thực hành và phát huy quyền làm chủ, vai trò tự quản của nhân dân. Luật cụ thể hóa đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tại hội nghị, đại biểu ở các điểm cầu đã thảo luận, làm rõ những nội dung liên quan đến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng như một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, nhấn mạnh: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới về thực hiện dân chủ ở nước ta, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau khi Luật có hiệu lực thi hành, các tổ chức trong hệ thống chính trị triển khai kịp thời, có hiệu quả các quy định của Luật.
Để Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống và thực hiện hiệu quả, đồng chí đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương tập trung tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung rà soát các văn bản quy phạm phát luật không còn có hiệu lực khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 01/7/2023; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị cho phù hợp với quy định của Luật và các văn bản liên quan. Thực hành và phát huy dân chủ gắn với nâng cao dân trí, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cần phải được nâng lên ở các cấp, các ngành thông qua việc công khai, minh bạch, trách nhiệm gắn liền với cải cách hành chính, công tác tiếp dân, đối thoại, xử lý đơn thư, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ, hội nghị người lao động… Dân chủ đi đôi với kỷ cương, trật tự, kỷ luật, chống vi phạm pháp luật; dân chủ gắn với pháp chế trật tự xã hội cần thiết, nâng cao tính pháp quyền tuân thủ pháp luật. Cần gắn phát huy dân chủ với cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. 6 nội dung trọng tâm của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tới hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.