Cán bộ Hội phụ nữ xã Hương Vĩnh giúp hộ dân làm đệm lót sinh học chăn nuôi trâu.
Huyện Hương Khê có nhiều tiềm năng lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản chiếm 34,36%; giá trị sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản năm 2020 ước đạt 2.847,5 tỷ đồng. Kinh tế vườn, kinh tế trang trại phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 44,5%.
Sự phát triển mạnh về chăn nuôi đặt ra vấn đề về xử lý chất thải, nhất là chất thải đại gia súc, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Bởi vì ở khu vực nông thôn, phần lớn việc chăn nuôi còn mang tính tự phát, chuồng trại ít được quy hoạch, phần lớn mô hình chăn nuôi nằm rải rác trong các khu dân cư, các hộ sản xuất nông nghiệp gần như hộ nào cũng chăn nuôi trâu, bò lợn, gà, nhưng chưa có thói quen dùng chế phẩm sinh học và các vật liệu tự nhiên để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng không ít đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Cán bộ Hội LHPN xã Hà Linh giúp hộ dân làm đệm lót chăn nuôi gà.
Nhận thức rõ vai trò của tổ chức Hội trong công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, Hội LHPN huyện đã triển khai nhiều giải pháp góp phần bảo vệ môi trường, trong đó việc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ nhân dân sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả, bước đầu được hội viên, phụ nữ hưởng ứng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.
Cán bộ TTCGKHKT&BVCTVN huyện hướng dẫn làm đệm lót sinh học tại xã Hương Bình.
Chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học là mô hình trong đó người chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà sử dụng men vi sinh ủ với cám ngô hoặc cám gạo, sau đó trộn với nguyên liệu chính là vỏ trấu (40%) và bột cưa (60%). Mỗi một kilogam men vi sinh đem ủ với 2-3 kilogam cám, có thể trộn được với lượng vỏ trấu và mùn cưa có độ dày khoảng 40 – 50 cm, rải đều trên diện tích 8-10 mét vuông (đủ cho 2 – 3 con trâu, bò). Đối với chăn nuôi gà và lợn, có thể điều chỉnh về độ dày của lớp đệm lót và có thể làm 100% nền chuồng hoặc 60% diện tích để có thể tắm cho vật nuôi nếu muốn.
Được triển khai trong 6 tháng đầu năm, nhưng đến nay toàn huyện đã có 234 mô hình, trong đó có 142 mô hình gà, 98 mô hình trâu, bò. Một số xã tiêu biểu như Phúc Trạch, Hương Long, Hương Bình. Ưu điểm của việc chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học là giảm thiểu tối đa mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước, thuốc thú y cũng như nguồn nhân lực dành cho việc dọn chuồng, đặc biệt, ruồi, muỗi, ve ký sinh trên vật nuôi và ở trong chuồng trại giảm được rất nhiều.
Thành công bước đầu của mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc góp phần giải bài toán môi trường ở khu vực nông thôn, nhất là đối với các thôn đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình, chỉ đạo 100% cơ sở Hội thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu xây dựng mô hình đệm lót sinh học mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ xã nhiệm kỳ 2021-2026 đã đề ra.
Nguyễn Huế (Hội LH Phụ nữ huyện)