Tại trường Mầm non Bông Sen...
Trước khi có buổi làm việc với UBND huyện Hương Khê, đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Trường Mầm non Bông Sen, thị trấn huyện;
Tại trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh.
Tại trường Tiểu học và Trường THCS Phú Gia.
Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về GD&ĐT của HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của ngành GD&ĐT. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn nhưng chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện có chuyển biến tích cực. Toàn huyện hiện có 54 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập; 1 trường tư thục, 3 nhóm trẻ độc lập tư thục; 3 trung tâm ngoại ngữ. Từ năm 2020 đến nay, HĐND huyện đã ban hành 10 nghị quyết phân bổ vốn đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở vật chất, với số tiền trên 110 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Quốc Bảo, UV BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo...
Các trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; thực hiện có chất lượng, hiệu quả các cuộc thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi các cấp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu và thấp thua so với mặt bằng toàn tỉnh.
Về việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh trong lĩnh vực giáo dục, huyện đã tổ chức quán triệt đầy đủ tại các cấp và được triển khai đồng bộ.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các nghị quyết còn nhiều khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ huy động nhà trẻ, mẫu giáo, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường học tự chủ về tài chính chưa đạt so với mục tiêu đề ra.
Đồng chí Phan Quốc Thanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện phát biểu...
Huyện Hương Khê kiến nghị HĐND tỉnh xem xét tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, tiểu học; bố trí nhân viên y tế học đường cho các trường mầm non, tiểu học hoặc tăng chỉ tiêu biên chế nhân viên hành chính; hỗ trợ các trường trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu…
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga: Đề nghị huyện Hương Khê quan tâm, hướng dẫn các trường học vận động, xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất và quản lý tốt quy trình tài chính.
Các đại biểu đề nghị huyện làm rõ việc xác định đối tượng ưu tiên trong biệt phái giáo viên, bố trí giáo viên sau biệt phái; những khó khăn và giải pháp khắc phục của các trường sau sáp nhập; lộ trình để khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục; những giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong các Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Ngô Xuân Ninh cho rằng: Là địa phương khó khăn, tuy nhiên, huyện đã rất quan tâm lĩnh vực giáo dục, cụ thể bằng đầu tư nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất; có chính sách khen thưởng cho giáo viên, học sinh giỏi.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ đánh giá cao công tác giáo dục của huyện Hương Khê trong thời gian qua. Đặc biệt, trong công tác sáp nhập trường, phân bổ vốn đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại trà của địa phương vẫn còn thấp, do đó, đề nghị huyện tiếp tục quan tâm hơn nữa để nâng cao chất lượng dạy và học; cần chuẩn bị tốt cho việc dạy học theo chương trình mới.
Về những kiến nghị của huyện, Ban VH-XH, HĐND tỉnh sẽ tổng hợp và làm việc với các sở, ngành liên quan để có giải pháp, xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện tình hình địa phương.