Điểm cầu UBND tỉnh.
Hội nghị được kết nối từ điểm cầu tỉnh đến 13 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố với gần 950 đại biểu tham dự. Điểm cầu huyện Hương Khê do đồng chí Đặng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì và phát biểu.
Toàn tỉnh có 359.366 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố (chiếm trên 60% diện tích tự nhiên). Hiện đã giao 322.711 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, chiếm 90% tổng diện tích rừng trên địa bàn; diện tích chưa giao đang do UBND xã quản lý 36.656 ha, chiếm 10%.
Thời gian qua, công tác BVR-PCCCR luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân trên địa bàn; chủ rừng, các ngành liên quan, đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và phối hợp triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Các ngành chức năng duy trì và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp trong BVR-PCCCR đã ký; tổ chức kiểm tra, truy quét các vùng rừng trọng điểm, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật Lâm nghiệp, không để xảy ra điểm nóng, nổi cộm về khai thác, phá rừng trái phép.
Năm 2023, Hà Tĩnh phát hiện, xử lý 201 vụ vi phạm (xử lý vi phạm hành chính 199 vụ; xử lý 2 vụ hình sự, xử phạt 2 đối tượng 6 tháng tù giam, 15 tháng tù cho hưởng án treo); tịch thu 71,783 m3 gỗ các loại; 56 cá thể/14kg động vật rừng; 3,65 lâm sản khác; 6 tang vật, phương tiện; tổng thu nộp ngân sách trên 2,4 tỷ đồng.
Tổ chức trực cháy, kiểm soát người ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy có nhiều đổi mới, đặc biệt sử dụng hiệu quả hệ thống 4 camera giám sát cháy rừng đã lắp đặt, qua đó đã phát hiện sớm các điểm phát lửa; báo cháy và huy động “4 tại chỗ” tham gia chữa cháy kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại về rừng. Nhiều địa phương, đơn vị đã bố trí kinh phí để mua sắm máy móc, dụng cụ chữa cháy, hỗ trợ kinh phí trực gác… nên công tác 4 tại chỗ được phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn tình trạng khai thác, tập kết lâm sản trái pháp luật; lấn chiếm, sẻ, phát rừng tự nhiên nghèo kiệt để lấy đất trồng rừng nguyên liệu, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra tại một số địa phương, chủ rừng nhưng việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn của chính quyền địa phương, các ngành chức năng có vụ việc chưa kịp thời, xử lý chưa dứt điểm, nhất là diện tích rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình, cá nhân, diện tích rừng đang do UBND xã quản lý.
Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân về PCCCR có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao; một số người dân vẫn còn xử lý thực bì không đúng quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về PCCCR, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Chưa có nhiều mô hình điểm về đảm bảo an toàn PCCCR để nhân rộng, nhất là các địa bàn có khu dân cư gần rừng. Năm 2024, công tác BVR-PCCCR dự báo phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường khoảng 0,5-1,5 độ…
Đại tá Bùi Hồng Thanh - Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh báo cáo một số khó khăn và giải pháp thực hiện hiệu quả công tác PCCCR và ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác BVR-PCCCR năm 2024, giữ vững an ninh môi trường rừng, Ban chỉ đạo tỉnh xác định mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích 217.276 ha rừng tự nhiên hiện có; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 trên 52%. Tập trung thực hiện tốt công tác BVR-PCCCR; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, phấn đấu giảm tối đa số vụ vi phạm pháp Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại do phá, do cháy rừng.
Về công tác PCTT&TKCN, năm 2023, thiên tai đã làm 3 người chết, 3.936 nhà ở bị ngập, hơn 700 ha cây trồng bị hư hỏng, hơn 3.600 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi và hơn 8 ha diện tích đất nông nghiệp bị xói lở, vùi lấp. Mưa lũ cũng làm sạt lở nghiêm trọng khoảng 100m tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua xã Đức Liên, huyện Vũ Quang; gây vỡ 2 hồ đập thủy lợi; sạt lở nghiêm trọng tại nhiều bờ sông, suối.
Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết năm nay sẽ phức tạp hơn những năm trước; hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khốc liệt có khả năng xảy ra từ nay đến cuối tháng 8; bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lũ lớn có thể diễn ra dồn dập vào những tháng cuối năm.
Đồng chí Đặng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tham luận.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị các đơn vị, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo liên quan của Trung ương, của tỉnh. Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư để thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân. Duy trì và củng cố các lực lượng tham gia công tác PCTT&TKCN…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, về công tác PCTT&TKCN, cần tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật, các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, chính xác hơn các tình huống thiên tai; củng cố mạng lưới thông tin liên lạc từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống.
Tổ chức kiểm tra đánh giá an toàn công trình đê điều, hồ đập, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa bão để có phương án đảm bảo an toàn, đặc biệt lưu ý đối với các công trình hồ đập xung yếu... Tiếp tục rà soát, cập nhật, xác định những vùng nguy cơ xảy ra thiên tai như hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn; vùng ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất, vùng thường xuyên chịu tác động trực tiếp của bão để xây dựng phương án ứng phó hiệu quả.
Kiểm tra, quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện và thực hiện quy trình điều tiết tưới nước tiết kiệm đảm bảo cấp đủ nước tưới cho vụ sản xuất hè thu 2024... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai.
Về công tác BVR-PCCCR, trước hết, tiếp tục tập trung cao cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Các địa phương, đơn vị chủ rừng khẩn trương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả kế hoạch, phương án PCCCR 2024; chủ động mua sắm công cụ, dụng cụ, tu sửa, nâng cấp các công trình đảm bảo phục vụ cho công tác PCCCR.
Các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, trực phát hiện sớm lửa rừng. Yêu cầu đặt ra là tại tất cả các điểm phát lửa, các vụ cháy rừng cần phải được phát hiện kịp thời, huy động “4 tại chỗ” dập tắt ngay khi mới phát sinh không để lây lan diện rộng. Khi có cháy lớn xảy ra, cần huy động lực lượng ứng cứu, yêu cầu cấp huyện thực hiện nghiêm phương án “4 tại chỗ” đã ban hành; chỉ huy động lực lượng ứng cứu cấp tỉnh khi thật sự cấp thiết. Cùng đó, cần chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, xác minh nguyên nhân, đối tượng gây cháy để xử lý nghiêm theo quy định…
Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu cũng đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 4 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Toàn dân tham gia công tác quản lý, phát triển và phòng cháy, chữa cháy rừng” năm 2023.
Tại điểm cầu huyện Hương Khê, đồng chí Đặng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện đã trao bằng khen của UBND tỉnh cho Đồn Biên phòng Hòa Hải có thành tích xuất sắc trong công tác BVR-PCCCR năm 2023.