Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Tại Hà Tĩnh, ngày 24/2/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 43 về triển khai thực hiện Đề án 06 giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục những nhiệm vụ cụ thể, các mốc thời gian phải hoàn thành để thực hiện đề án đúng tiến độ.
Mục tiêu tổng thể của đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Để từ đó, các nền dữ liệu này phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công tác dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Để tổ chức thực hiện đề án quan trọng này, UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tham gia. Đến nay, đã hoàn thành tích hợp 20/25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia; cấp tài khoản định danh điện tử cho 47.024 công dân và bước đầu triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân có gắn chip.
Đặc biệt, hiện nay, tỉnh đã triển khai kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 8 bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nguy cơ cần tập trung tháo gỡ, giải quyết.
Tại hội nghị, các sở, ngành đã tập trung hướng dẫn thực hiện các biểu mẫu theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành được giao tại Đề án 06; chia sẻ những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện đề án tại cơ sở; đề xuất giải pháp thực hiện tốt đề án, đảm bảo dữ liệu trên hệ thống “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ cho các nhiệm vụ chiến lược trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Công an tỉnh Lê Khắc Thuyết - Phó Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 cấp tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các cấp căn cứ nội dung Đề án 06 và Kế hoạch số 43 của UBND tỉnh, rà soát lại các nhiệm vụ được giao, phân công và gắn trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đảm bảo hoàn thành đề án theo mốc thời gian đã được ấn định.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện tại đơn vị, địa phương do mình quản lý; kịp thời báo cáo đề xuất đồng chí tổ trưởng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cũng như tham mưu những giải pháp hay, cách làm hiệu quả.
Các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; tập trung đôn đốc thực hiện số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa đối với cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022, cấp huyện từ ngày 1/12/2022, cấp xã từ ngày 1/6/2023.