Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về phát triển văn hóa đọc. Xây dựng, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tăng cường công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và sự tham gia của toàn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa đọc trên cơ sở kiện toàn, củng cố mạng lưới thư viện, nhân rộng mô hình phát triển văn hóa đọc, đổi mới hoạt động của thư viện các cấp, xây dựng kỹ năng thông tin cho người sử dụng gắn với việc chuyển đổi số; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho phát triển văn hóa đọc.
Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Đó là về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, trí thức: 100% thư viện cấp huyện, 80% thư viện cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ internet miễn phí. Nâng cấp, đầu tư hệ thống thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục; tăng cường các hình thức tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức. Phấn đấu 80% học sinh, sinh viên thường xuyên sử dụng hệ thống thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục. Tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tại các khu vực nông thôn, miền núi, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, nâng cao văn hóa đọc tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện – văn hóa xã. 50% - 60% người dân ở khu vực nông thôn, 30% - 40% người dân ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận sách, báo, tài liệu...
Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc: Phấn đấu 40% - 50% người dân có kỹ băng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời. 85% người sử dụng thư viện có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí. 100% cơ sở giáo dục ở các cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 70% cơ sở giáo dục phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định; 50% thư viện công cộng cấp huyện, thị, thành phố có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó bao gồm cả đối tượng là thiếu nhi và người khuyết tật.
Về xây dựng thiết chế thư viện công cộng: Tăng cường xây dựng, bổ sung sách, tài liệu cho hệ thông thư viện từ tỉnh xuống cơ sở; 100% số xã được công nhận xã nông thôn mới có thư viện hoặc phòng đọc sách đạt chuẩn. Đến năm 2025 mỗi thư viện cấp huyện có 5 - 7 bộ máy tính, thư viện cấp xã 2 - 3 bộ máy tính hoạt động tốt…
Kế hoạch đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện gồm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, phát triển thư viện điện tử, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện; mở rộng hợp tác quốc tế.
Với việc triển khai Kế hoạch này góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người Hà Tĩnh đến với bè bạn trong nước và thế giới; lựa chọn, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú cho văn hóa Hà Tĩnh.
Nguyễn Nga (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)