Bước vào năm học 2021 – 2022, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, học sinh lớp 6 phải học bằng hình thức trực tuyến ngay sau ngày khai trường. Còn học sinh lớp 1, lớp 2 vào học muộn hơn 2 tuần so với khung thời gian, kế hoạch năm học. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực của cả thầy và trò, với sự chủ động của các trường trong việc thực hiện lộ trình thay sách giáo khoa, đến thời điểm hiện tại, giáo viên, học sinh ở huyện miền núi Hương Khê đã bắt nhịp khá tốt với chương trình mới.
Cô giáo Đinh Thị Thủy, Trường Tiểu học Phú Phong chia sẻ “Sau hơn 1 tháng dạy học trực tiếp, nề nếp dạy học ở các lớp 1, lớp 2 cũng đã ổn định. Giáo viên đã nhuần nhuyễn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Ngoài ra, các cô cũng đã khai thác tối đa các trò chơi, hay các video, clip giải trí đan xen trong từng giờ học, giờ nghỉ giải lao, góp phần làm cho các em phần nào bớt mệt mỏi và dần yêu thích các hoạt động học tập”
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua khiến trường phải thực hiện tinh giản theo hướng lựa chọn kiến thức cốt lõi để dạy học trực tiếp. Cô giáo Đặng Thị Thu Hòe, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Phong cho biết thêm “Từ thực tế trên, bằng cách linh hoạt, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, các cô đã mang đến cho học sinh sự hào hứng khi thực hiện chương trình mới”
Cũng như các đơn vị bạn, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên, học sinh các khối lớp 1, lớp 2 của trường Tiểu học Gia Phố đã đạt được kết quả khả quan. Trong quá trình thực hiện luôn có sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh học sinh trong việc xã hội hóa nguồn đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình mới. Thầy giáo Lê Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Phố nói “Đến nay chúng tôi đã vào guồng, việc học tập của các em đã ổn định, đặc biệt trong năm học này với phương châm xã hội hóa, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ của của các bậc phụ huynh trong việc mua sắm thiết bị thông minh phục vụ cho học sinh lớp 1 và lớp 2 học theo chương trình SGK mới khá đầy đủ”
Tại Trường THCS Hương Giang, đơn vị có nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sự nỗ lực của tập thể nhà trường, năm học 2019-2020, trường đã tăng 27 bậc, cao nhất trong khối THCS của huyện Hương Khê. Năm học mới 2021-2022, mặc dù có nhiều khó khăn và biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành liên quan, sự phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, nhà trường tiếp tục đạt được kết quả đáng kể, nhất là việc việc triển khai chương trình sách giáo khoa dành cho khối lớp 6.
Cô giáo Phan Thị Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hương Giang cho biết “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động rà soát, lên kế hoạch dự kiến phân công giáo viên dạy lớp 6 đủ số lượng, thực hiện chương trình mới, nên việc tiếp thu của học sinh dễ dàng, hiệu quả. Những thay đổi trong chương trình GDPT mới, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực, sự chuẩn bị chu đáo của nhà trường đã góp phần tạo nên tư duy mới và niềm đam mê trong học tập của học sinh”
“Theo chương trình sách giáo khoa mới của lớp 6, việc dạy học không còn theo hướng truyền thụ kiến thức một chiều, không còn tình trạng học sinh ghi chép và trả lời theo khuôn mẫu. Vì thế, để bài giảng đạt hiệu quả, giáo viên phải thực hiện phương pháp gợi mở, sử dụng nhiều câu hỏi vấn đáp, tổ chức các hoạt động cho học sinh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để sử dụng nguồn tài liệu phong phú qua các hình ảnh, video minh họa thêm cho bài học’’ đó là chia sẽ của Cô giáo Nguyễn Thị Khánh Hà, Trường THCS Hương Giang.
Bên cạnh những thuận lợi, thì việc triển khai chương tình dạy học mới tại các trường Tiểu học và THCS ở Hương Khê vẫn còn khó khăn đó là thiếu đội ngũ giáo viên, nhất là đối với lớp 1 bậc Tiểu học, dẫn đến việc phải dồn lớp, mỗi lớp trên 40 học sinh, quá sỉ số học sinh so với qui định. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất nhiều trường chưa đảm bảo cho việc thực hiện chương trình GDPT mới; một số địa phương chưa chủ động trong công tác xã hội hóa để mua đồ dùng học tập nên một số học sinh còn phải dùng chung, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục tại các nhà trường.
Trao đổi vấn đề này Ông Trần Đình Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết “Trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND huyện về việc bố trí 33 biên chế giáo viên tỉnh giao, khi có thêm đội ngũ này, chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường tách lớp để đảm bảo sỉ số học sinh tiểu học theo qui định, vì hiện nay tại một số trường do thiếu giáo viên nên phải dồn lớp. Đồng thời chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ kịp thời việc lắp tivi thông minh, bảng trượt cho các trường, phục vụ tốt việc dạy học theo chương trình SGK mới”
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD&ĐT huyện Hương Khê luôn chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực đổi mới phương pháp dạy và học, duy trì số học sinh đến lớp, tạo chuyển biến tích cực, phấn đấu thực hiện hiệu quả mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm học 2021-2022.