Công trình tuyến đường pano bằng lốp xe tái chế có chiều dài trên 400m dẫn vào tượng đài Lý Tự Trọng nằm trong khuôn viên nhà máy chè Hương Trà. Với những chiếc lốp xe cũ, qua bàn tay khéo léo của đoàn viên xã Hương Trà đã tạo thành những chiếc pano gắn thông điệp về các hoạt động xung kích của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương và bảo vệ môi trường. Đây là hoạt động của tuổi trẻ xã Hương Trà lập thành tích hướng về kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng.
Trong thời gian này Huyện Đoàn Hương Khê đã có nhiều hoạt động thiết thực như nói chuyện truyền thống về cuộc đời hoạt động của đồng chí Lý Tự Trọng; xây dựng các công trình chào mừng, tham gia bảo vệ môi trường và phát động phong trào thi đua học tập, rèn luyện trong thanh thiếu niên.
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914, nguyên quán xã Việt Xuyên, nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà.
Năm 1926, Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu nhi Việt Kiều được chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập. Đến nơi, Lê Hữu Trọng được đổi tên thành Lý Tự Trọng. Sau đó, chàng thiếu niên được giới thiệu vào học tại Trường Trung học Trung Sơn và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Khu tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng nằm trên địa bàn xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà.
Năm 1929, Lý Tự Trọng về Sài Gòn - Gia Định với nhiệm vụ làm liên lạc bí mật trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng, đồng thời được giao nhiệm vụ vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Ngày 8/2/1931, các chiến sĩ cách mạng Việt Nam tổ chức một cuộc mít tinh chớp nhoáng nhưng bị mật thám của thực dân Pháp bắt gặp. Lý Tự Trọng bị bắt giam, tra tấn dã man nhưng anh không hề khuất phục. Ngày 21/11/1931, Lý Tự Trọng bị kẻ thù xử chém, lúc bấy giờ anh mới 17 tuổi.
Trước tòa án của đế quốc thực dân, anh từng hiên ngang tuyên bố: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác...".
Câu nói đó đã trở thành lý tưởng sống, thôi thúc bao lớp thanh niên Việt Nam giữ vững niềm, bản lĩnh, tích cực chiến đấu, học tập, lao động, sáng tạo để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sau này trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ thanh niên cách mạng Việt Nam