Mô hình trồng sâm bố chính của ông Phan Văn Sáng, thôn Phú Hòa...
Với trăn trở đưa giống mới vào trồng thử nghiệm trên đồng đất xã Hương Xuân; năm 2020, ông Phan Văn Sáng, thôn Phú Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích 2 sào đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu sâm bố chính. Năm đầu chưa có kinh nghiệm, cộng với trừ chi phí đầu tư xây dựng mô hình nên chưa có lãi. Đến năm 2021, ông Sáng tiếp tục trồng 2 sào sâm bố chính, sau 12 tháng cho năng suất 250 - 300kg củ/1sào; trừ chi phí cho lợi nhuận trung bình đạt 30 triệu đồng/sào/năm.
Ông Phan Văn Sáng, thôn Phú Hòa chia sẻ một số kinh nghiệm về trồng sâm bố chính...
Hiện nay, gia đình trồng lứa thứ 3 được hơn 4 tháng đang phát triển khá tốt, khẳng định cây trồng thích nghi với khí hậu, chất đất tại địa phương. Đây là mô hình cây dược liệu mới, đầu tiên cho hiệu quả kinh tế trên đồng đất xã Hương Xuân, huyện Hương Khê. Ông Sáng khẳng định: “việc chuyển đổi sang mô hình trồng sâm bố chính là phù hợp, quy mô nhỏ nên việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu bán lẻ trên thị trường ngay tại địa phương và cho hiệu quả gấp hàng chục lần so với các loại cây nông nghiệp trên địa bàn. Mô hình cũng đã được UBND huyện hỗ trợ số tiền 10 triệu đồng trong chương trình khuyến nông”.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện kiểm tra mô hình nuôi cá tầm của gia đình ông Lê Khắc Tân...
Còn tại xã Phú Gia, mô hình cá tầm thương phẩm của gia đình ông Lê Khắc Tân, đã đưa vào nuôi thử nghiệm từ năm 2021. Lứa đầu tiên, ông đã cải tạo một phần diện tích ao hồ có sẵn, lót bạt lòng ao hồ; xây dựng hệ thống nước tự chảy, lấy nguồn nước từ Rào Trình và tiến hành thả nuôi 500 con cá Tầm tại khu vực thôn Phú Lâm. Sau 1 năm chăm sóc, trọng lượng cá thu hoạch đạt trung bình từ 2kg - 2,2kg, giá bán từ 250.000 đồng - 300.000 đồng/1kg. Lợi nhuận thu về từ mô hình đạt hơn 50 triệu đồng. Đây là mô hình nuôi cá tầm đầu tiên và đã thành công trên vùng đất Hương Khê.
Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Thanh Điện, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy kiểm mô hình nuôi cá tầm của gia đình ông Lê Khắc Tân...
Ông Tân cho biết: “hiện đã thả lứa cá thứ 2 với 1.500 con cá giống, tỷ lệ cá sống ở lần thả này cũng cao hơn nhiều so với trước. Rút kinh nghiệm từ lứa cá nuôi đầu tiên, gia đình tôi đang tập trung chăm sóc đàn cá phát triển, tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm khi đến mùa vụ thu hoạch”.
Mô hình cá tầm của ông Lê Khắc Tân, xã Phú Gia...
So với mô hình trồng cây dược liệu sâm bố chính, nuôi cá tầm thương phẩm đã được người dân mạnh dạn đưa vào nuôi thử nghiệm thành công trên địa bàn; thì mô hình nuôi dê quy mô lớn hàng trăm con của gia đình ông Phạm Quang Trung, xã Hương Trà không những cho hiệu qủa kinh tế, mà còn khẳng định hướng đi phù hợp, thuận lợi trong phát triển chăn nuôi tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thanh Điện, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy kiểm tra mô hình nuôi dê của ông Phạm Quang Trung, xã Hương Trà ( ảnh tư liệu)
Tận dụng lợi thế vườn đồi, tháng 6/2021, gia đình ông Phạm Quang Trung đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê với quy mô 300m2. Ban đầu, thả 54 con dê giống, đến nay đã phát triển nhân rộng quy mô chuồng lên 600m2, nâng tổng đàn lên 290 con. Thời gian đầu, gia đình đang tập trung mở rộng quy mô nhưng mô hình vẫn cho thu nhập 60 triệu đồng/1năm; tạo công ăn việc làm cho 2 lao động với mức thu nhập ổn định 4 triệu đồng/tháng.
Mô hình nuôi dê của gia đình ông Trịnh Xuân Hộ, thôn Vĩnh Trường, xã Hương Xuân.
Điều đáng nói, nhiều hộ dân sau khi tham quan mô hình nuôi dê của ông Trung ở xã Hương Trà cũng đã về đầu tư chuồng trại, mua con giống nhân đàn để phát triển kinh tế gia đình. Ông Trịnh Xuân Hộ, thôn Vĩnh Trường, xã Hương Xuân cho biết “Qua học tập kinh nghiệm, gia đình tôi đã mua 15 con dê giống về nuôi, sau 4 tháng nuôi đã có 1 con sinh sản thêm 2 con dê, nâng tổng đàn lên 17 con; hiện đàn dê phát triển tốt và nhiều con dê sắp sinh lợi. Về nuôi dê cũng dễ vì thức ăn đa dạng, lượng ăn ít, 17 con dê ăn lượng thức ăn chỉ bằng 2 con bò”.
Mô hình trồng hoa cúc trong nhà màng của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Lộc Yên (ảnh tư liệu).
Với mục tiêu chỉ đạo người dân tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây, con mới vào sản xuất, chăn nuôi nhằm tăng năng suất, giá trị và hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương; huyện Hương Khê đã có nhiều giải pháp, góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, bước đầu đã đem lại hiệu quả khá.
Mô hình dưa lưới trong nhà màng của ông Lê Mạnh Hùng, xã Hương Trà (ảnh tư liệu)
Từ năm 2020 đến nay, huyện Hương Khê đã hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trồng dưa lưới và rau, củ, quả các loại; các mô hình trồng sâm bố chính, nuôi dê sinh sản, nuôi cá tầm, chăn nuôi bò thịt 3B, chăn nuôi bò nái nền lai Sind và trồng cây dược liệu xạ can; hỗ trợ xây dựng 219 mô hình thực hiện ủ chua từ cây ngô sinh khối, cỏ lai phục vụ chăn nuôi, nhằm đẩy nhanh tiến độ lai tạo, phát triển đàn vật nuôi, hướng tới nuôi nhốt để có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đồng chí Phan Kỳ, UV BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện kiểm tra mô hình trồng dưa lưới của ông Nguyễn Đình Sáng, xã Lộc Yên ( ảnh tư liệu)
Ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết “Trong điều kiện ngân sách địa phương khó khăn nên UBND huyện tiếp tục lồng ghép các chính sách hỗ trợ của cấp trên để khuyến khích các mô hình khuyến nông phù hợp với địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đồng chí Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện kiểm tra mô hình chăn nuôi bò Lai sin tại xã Hương Trà (ảnh tư liệu)
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân để tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế sản xuất, chăn nuôi có quy mô, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại cho sản phẩm sạch, an toàn”.
Điều đáng ghi nhận, các mô hình, dự án khuyến nông trên địa bàn huyện Hương Khê với mức kinh phí đầu tư không lớn nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp nên việc nhận rộng các mô hình dễ thực hiện, khả thi cao.