CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, điện:
- Trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện;
- Trưởng các Đoàn công tác của BTV HU chỉ đạo xã, thị trấn;
- Thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện;
- Đồn trưởng các đồn Biên phòng: Bản Giàng, Phú Gia, Hòa Hải;
- Chủ tịch UBND các xã, thị trấn;
- Giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô;
- Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh;
- Các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện.
Trong 2 ngày 28 đến 29/10, trên địa bàn huyện có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa khoảng 200 - 250mm. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh từ ngày 30/10 đến đêm 31/10, tiếp tục mưa to (mức 100 - 200 mm, có nơi có thể cao hơn); lũ trên sông Ngàn Sâu đang lên nhanh, khoảng 10 – 12 giờ ngày 30/10/2023 có khả năng lên Báo động 2; nguy cơ lũ, ngập lụt, sạt lở đất tại các xã vùng thấp trũng, ven sông suối rất cao; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với mưa, lũ xảy ra trên địa bàn huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Trưởng các phòng, ban, ngành; Thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai ngay một số nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:
- Theo dõi thường xuyên diễn biến, các bản tin cảnh báo của mưa, lũ trên các phương tiện thông tin và hệ thống tác nghiệp HSCV để kịp thời thông báo, hướng dẫn cho Nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn; đặc biệt là các hộ dân vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh.
- Triển khai lực lượng tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân, nắm số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu. Phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp; xác định cần phải di dời, sơ tán khi cần thiết đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thời gian mưa lũ kéo dài.
- Chuẩn bị và triển khai phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất (đặc biệt là các vùng sạt lở bờ sông tại các xã: Lộc Yên, Hương Xuân, Hương Trạch, Gia Phố, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Thủy,...; các vùng trồng keo, độ dốc lớn có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống lũ quét tại các xã: Hương Đô, Phúc Trạch, Hòa Hải…), các lán trại có công nhân thi công các công trình ven sườn núi, vùng ven sông, suối.
- Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như: Ngầm qua suối, đường bị ngập sâu, cầu tràn,… nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn; nhất là đối với học sinh các trường học trên địa bàn.
- Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa; duy trì lực lượng thường trực, tuần tra canh gác, ứng cứu đảm bảo an toàn các hồ chứa trên địa bàn các xã, thị trấn và thuộc phạm vi quản lý. Tổ chức thực hiện phương án tích nước và giải pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước thủy lợi có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ năm 2023.
- Chỉ đạo người dân có phương án chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích cam chưa thu hoạch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng, chống ngập úng cho diện tích cây trồng vụ Đông mới gieo trồng.
- Bố trí trực 24/24h, lưu ý phân công cán bộ chuyên môn trực để đảm bảo duy trì thông tin chỉ đạo từ cấp trên đến cấp xã và ngược lại. Chỉ đạo, thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá thiệt hại sau thiên tai để báo cáo theo quy định.
- Tiếp nhận, phối hợp thường xuyên, kịp thời với Nhà máy thủy điện Hố Hô về các thông tin điều tiết lũ để có phương án phòng ngừa, ứng phó kịp thời.
2. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện và các xã, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.
3. Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện phối hợp, đẩy mạnh công tác thông tin, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử huyện, trang thông tin điện tử xã; hướng dẫn, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền; thường xuyên thông tin, cảnh báo kịp thời diễn biến mưa, lũ trên hệ thống truyền thanh cơ sở để mọi người dân được biết chủ động phòng, tránh.
4. Phòng Kinh tế - Hạ tầng: Chủ trì, phối hợp với Công an huyện tham mưu, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, cắm biển cảnh báo, cử người thường xuyên canh gác, hướng dẫn giao thông đi lại tại các vị trí ngầm, cầu tràn qua sông, suối và các đoạn đường có nguy cơ ngập lụt để tránh xẩy ra các trường hợp thiệt hại về người và tài sản do bất cẩn.
5. Phòng Giáo dục và Đào tạo theo dõi tình hình diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các địa phương, đơn vị xem xét quyết định cho học sinh nghỉ học, hạn chế đi lại qua các vùng ngập lụt, nước chảy xiết, không để xảy ra mất an toàn về người.
6. Các phòng, ngành: Tài chính - Kế hoạch, Y tế, Trung tâm Y tế, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện tham mưu chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, để kịp thời hỗ trợ cho Nhân dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu trong khi có mưa, lũ xảy ra. Tuyết đối không để bị động trong công tác hậu cần.
7. Các phòng, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình chuẩn bị mọi phương án để chủ động ứng phó có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
8. Đề nghị các chủ đầu tư đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt là các công trình hồ đập, kè chống sạt lở. Yêu cầu tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ đầu và có phương án chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
9. Đề nghị Trưởng các Đoàn công tác của BTV Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn; Trưởng các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT và TKCN phụ trách các xã, thị trấn; thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo triển khai các biện pháp đối phó khi mưa, lũ xảy ra.
10. Đề nghị các đồn Biên phòng Bản Giàng, Hòa Hải, Phú Gia chủ động xây dựng phương án phối hợp ứng phó với tình hình mưa lũ; phòng, chống nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng tại các khu vực doang trại đóng quân và địa phương địa bàn liên quan; sẵn sàng lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có đề xuất yêu cầu.
11. Đề nghị Nhà máy thủy điện Hố Hô chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; duy trì lực lượng thường trực vận hành điều tiết xả lũ hồ chứa đảm bảo an toàn đúng quy trình; chủ động hạ thấp mực nước hồ chứa trước mưa lũ để giảm áp lực ngập lụt cho vùng hạ du; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, ứng cứu đảm bảo an toàn các hồ chứa thuộc phạm vi quản lý; có phương án thông tin kịp thời tình hình xả lũ của Nhà máy đến tận người dân các xã vùng hạ du để chủ động phòng, tránh.
12. Đề nghị Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; chức kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình; bố trí lực lượng thường trực để vận hành, điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ xung yếu, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
13. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, UBND các xã, thị trấn thường trực lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện) để chỉ đạo thực hiện.
Giao Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin mưa, lũ, công tác phòng, chống tại các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị; tổng hợp tình hình báo cáo UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện để kịp thời bổ cứu, chỉ đạo.
Yêu cầu Trưởng các phòng, ban, ngành; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện này./.
Chủ tịch UBND huyện
Ngô Xuân Ninh