Việc xây dựng khu xử lí rác thải tập trung với vị trí, công nghệ phù hợp là yêu cầu cấp thiết của huyện Hương Khê hiện nay. Cấp ủy, chính quyền huyện đã xây dựng đề án với sự cố vấn về chuyên môn của các phòng, ngành, các cơ quan chức năng của tỉnh, Trung ương, như: Viện công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư,... để thẩm định, hướng dẫn về lựa chọn vị trí và công nghệ phù hợp.
Sau quá trình trực tiếp thị sát, nghiên cứu, điều tra, khảo sát, các đơn vị này đã khẳng định vị trí tại Khoảnh 6, Tiểu khu 208, thuộc địa phận xã Hương Thủy đảm bảo được các yếu tố về môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí, nguồn tài nguyên khác và đời sống Nhân dân vùng phụ cận; đảm bảo các điều kiện quy chuẩn theo quy định của nhà nước và có nhiều ưu điểm hơn so với vị trí khác theo đề xuất của một số hộ dân là vùng Trọ Khướu – Trao tráo (Khoảnh 5, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy), cụ thể, vị trí đặt lò đốt rác này cách khu dân cư gần nhất ở xã Hương Long 880m, xã Hương Thủy 1.240m, xã Gia Phố là 1.140m, trong khi quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng thì điểm xử lí rác thải tối thiểu cách khu dân cư 500m.
Đối với công nghệ sử dụng lò đốt SANKYO GF 1500, công suất 1.000kg/h (1 tấn/h) là phù hợp với mức độ lượng rác thải của huyện và chi phí đầu tư (khoảng 23,3 tỷ đồng). Công nghệ này có ưu điểm như:
Thứ nhất, không xả nước thải ra môi trường: mặc dù nước rỉ rác thải hầu như không có nhưng dự án này vẫn sẽ xây dựng hồ xử lí nước rỉ rác đảm bảo không thấm ra ngoài và nước mưa không chảy vào. Nước rỉ rác sau khi xử lí được tái sử dụng để phục vụ tưới cây xanh trong khuôn viên khu xử lí và làm nguội tro xỉ trước khi đưa đi chôn lấp. Công nghệ xử lí nước thải bao gồm hệ thống thiết bị lọc, hồ sinh học dùng thực vật thủy sinh, kết hợp hồ lắng để tái sử dụng hoàn toàn nước thải sau xử lí đảm bảo không gây ô nhiễm nguồn nước tiếp nhận ngoài môi trường.
Thứ hai, không phát sinh mùi hôi: mùi phát sinh chủ yếu tại khu vực tập kết rác thải được xử lí bằng cách phun xịt chế phẩm EM (vi sinh vật hữu hiệu).
Thứ ba, không phát sinh khí độc hại: các thông số kỹ thuật của lò đốt với việc xử lí khí thải bằng các giải pháp trao đổi nhiệt, xyclon thu bụi và hấp thụ bằng sữa vôi để xử lí các thành phần hóa học, sau đó qua hấp thụ than hoạt tính đảm bảo xử lí triệt để chất thải rắn và khí thải.
Thứ tư, tro xỉ được chôn lấp an toàn: tro xỉ sau khi đốt được chôn lấp tại hố chôn 4 ngăn, bao bọc bởi lớp màng chống thấm HDPE (polyme tổng hợp mật độ cao), đảm bảo không thẩm thấu ra ngoài.
Thiết bị này đã được lắp đặt tại nhiều huyện trong tỉnh như Nghi Xuân, Đức Thọ, Kỳ Anh,…, qua quá trình sử dụng đã được đánh giá là đảm bảo và hiệu quả.
Sau khi có kết quả đánh giá từ Viện công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cấp ủy, chính quyền huyện đã tổ chức công bố, tuyên truyền đến tận cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cụ thể, huyện đã tổ chức quán triệt 03 cuộc cho cán bộ cốt cán, đảng viên các xã Hương Thủy, Gia Phố, Hương Long với 536 người tham gia; tuyên truyền trong sinh hoạt đến 36/38 chi bộ của 03 xã; sinh hoạt của 81/104 chi đoàn, chi hội các xã Hương Thủy, Gia Phố; tuyên truyền đến nhân dân các xã Phú Phong, Hương Xuân, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Bình, Hương Giang, Thị trấn. Đồng thời tổ chức gặp gỡ, trao đổi và thông báo về kết quả thẩm định, đánh giá của Viên công nghệ môi trường với các Linh mục quản xứ, quản hạt trên địa bàn.
Tâm lý chung của cán bộ, đảng viên và đại bộ phận Nhân dân toàn huyện là đồng tình, thống nhất với kết quả thẩm định, đánh giá của các cơ quan chuyên môn; ủng hộ chủ trương của huyện và mong muốn sớm triển khai dự án xây dựng khu xử lí rác thải theo đúng tiến độ trước khi mùa mưa lũ về. Tuy vậy, một bộ phận người dân xã Gia Phố vẫn chưa đồng thuận với lý do sợ ảnh hưởng đến môi trường sống, đề nghị di chuyển vị trí xây dựng.
Với chủ trương lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền huyện đã xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, đề nghị sự hỗ trợ chuyên môn của các sở, ngành chuyên môn, đặc biệt là sự nghiên cứu, khảo khát độc lập của Viện công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để đưa ra phương án thực hiện tối ưu nhất. Đồng thời, tuyên truyền, cung cấp thông tin cụ thể, cần thiết về dự án đến tận thôn, xóm và từng người dân bằng nhiều hình thức như: trực tiếp trao đổi tại các cuộc họp dân, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh; các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền trực tiếp đối thoại với Nhân dân,… Thực tế việc lựa chọn vị trí được xây dựng từ ý kiến đóng góp của người dân và đánh giá chuyên môn của các ngành chức năng là đã thực hiện theo đúng quy trình và đảm bảo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Có thể nói, cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị đã có sự nỗ lực rất lớn trong thời gian qua để đẩy nhanh việc xây dựng khu xử lí rác, giải quyết kịp thời vấn đề ứ đọng rác thải trên địa bàn. Điều quan trọng còn lại là sự chia sẻ, đồng thuận của Nhân dân, mỗi người dân cần có sự tin tưởng và cái nhìn khách quan, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền trong thực hiện các chủ trương, chính sách trên địa bàn. Về phía cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, cung cấp thông tin đến mỗi người dân, cũng cần làm rõ và xử lí nghiêm đối với những đối tượng cố tình chống phá, kích động, xúi dục người dân đi ngược lại lợi ích của cả cộng đồng.