Tham dự có đồng chí Trần Nhật Tân – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; đồng chí Trần Văn Kỳ - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu trong tỉnh. Đầu cầu huyện Hương Khê do các đồng chí: Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch và Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì.
Với chủ đề “các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, tại hội nghị đối thoại, các đại biểu nông dân và doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp đã phản ánh và kiến nghị đề xuất những nội dung liên quan đến sản xuất nông nghiệp hiện nay. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng do giá vật tư sản xuất nông nghiệp thường biến động, chất lượng một số loại không được kiểm soát nên người dân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sản xuất. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ trăn trở về chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, số lượng lao động có tay nghề cao còn ít; nguồn lực lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ngày càng già hoá nên việc nhân rộng và phát triển mô hình nông nghiệp thông minh gặp nhiều khó khăn.
Những kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, đất đai, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thực hiện công tác chuyển đổi số ở khu vực nông thôn; xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung; nâng cao chất lượng sản phẩm Ocop; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng mà các đại biểu phản ánh, cũng được lãnh đạo các sở, ngành liên quan tiếp thu, giải trình và đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Kết luận hội nghị, đồng chí Võ Trọng Hải – Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của cán bộ, hội viên và doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phân tích, làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu quan tâm về cơ chế chính sách; về quản lý giống, vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất, vay vốn, đào tạo nghề, chuyển đổi số.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Hội Nông dân các cấp và hội viên nông dân toàn tỉnh tiếp tục tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của tỉnh; đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn với thị trường để tạo sự phát triển bền vững. Cùng với đó, mỗi cán bộ, hội viên nông dân cần phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tích cực thực hiện các phong trào thi đua, nỗ lực cùng với cả hệ thống chính trị sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới.