Vào thời điểm áp Tết, anh Trần Mạnh Hà, Hội viên hội Nông dân thôn 1 xã Hương Đô có gần 100 gốc cam bù đang kỳ chín rộ. Với truyền thống và kinh nghiệm sản xuất, trước đó anh đã khai hoang phục hóa trên 3ha trồng cam các loại.
Đến nay, sau 12 năm cho thu hoạch, nhiều diện tích cam đã già cỗi, anh đã tích cực trồng dặm và tiếp tục mở rộng diện tích 3 ha còn lại.Anh Hà cho biết “Năm nay, vườn cam của gia đình tôi năng suất sản lượng đều tăng hơn so với năm ngoái, có những cây cam cho thu hoạch trên 2 tạ quả, cây trung bình cũng từ 50 đến 60 kg. Hiện nay giá bán dao động tại vườn từ 40-60 ngàn đồng/1 kg, cao gấp 2 lần giá cam chanh chính vụ mà vẫn đắt hàng. Cam bù cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cây trồng khác”
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Phúc, ở thôn 6 xã Hương Đô có trên 200 gốc cam bù, trong đó trên 100 gốc đang thời kỳ thu hoạch. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp KHKT trong chăm sóc và bảo vệ nên diện tích cam bù của anh quả to chín đều, mọng nước và đặc biệt là không bị rụng.
Thời điểm này, ở Hương Đô, không chỉ thương lái nhỏ lẻ mà các nhà buôn lớn từ các thành phố Hà Tĩnh, Vinh, Hà Nội cũng đã tìm về tận vườn để mua được cam chính gốc. Mặc dù thời tiết bất thuận nhưng sâu bệnh ít, giá cam ổn định nên tính ra người trồng có khoản thu lớn, nhất là từ vụ cam Tết. Anh Phúc chia sẻ“Đặc điểm của cam bù là quả chín vào đúng dịp Tết, có màu vàng đỏ bắt mắt, dễ bóc vỏ, múi mọng nước có mùi thơm đặc trưng không trộn lẫn. Trước đó, trong vụ cam chanh, gia đình tôi cũng cho thu về vài trăm triệu. Còn vụ cam bù năm nay quả to, đẹp, dự định của gia đình sẽ xuất bán vào ngày 27, 28 Tết”
Theo thống kê, xã Hương Đô có trên 400 hộ trồng cam trên tổng diện tích 310 ha đã cho thu hoạch. Năm 2020, năng suất trung bình đạt trên 13 tấn/1 ha, sản lượng 1.500 tấn, tổng thu nhập từ kinh tế trang trại với sản phẩm chủ lực là cam khoảng từ 9 đến 10 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ thu nhập 50 triệu đồng, trong đó trên 30% thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên.
Thời điểm này, gần 200 hộ trồng cam nơi đây cũng đang tất bật thu hoạch cam vụ Tết.Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Đô cho biết “Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu, trong đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Khuyến khích phát triển các ngành nghề phụ và tham gia kinh doanh dịch vụ. Hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật cho nông dân phát triển, mở rộng sản xuất để ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Trong đó chủ lực vẫn là cây bưởi Phúc Trạch và cam các loại”