Thời gian này, huyện Hương Khê đang chỉ đạo các phòng, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục đi kiểm tra tại các vườn hộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm quả bưởi đủ điều kiện để cấp sử dụng logo, tem và hệ thống nhãn hiệu của Chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm này.
Ông Cao Xuân Cảnh là thành viên của HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng, thôn Thái Yên, xã Lộc Yên, trồng bưởi theo mô hình VietGap. Với diện tích 10 nghìn mét vuông, ông qui hoạch trồng 400 cây bưởi Phúc Trạch, trong đó cây có ký hiệu PT.LY.1540 được Sở NN và PTNT tỉnh Hà Tĩnh công nhận biển hiệu cây bưởi đầu dòng vào năm 2019.
Năm nay, vườn bưởi của gia đình ông Cảnh có trên 5 nghìn quả, riêng cây bưởi đầu dòng có trên 120 quả, ước tính vườn bưởi gia đình thu về gần 150 triệu đồng. Mặc dù nhiều năm nay gia đình đã trồng và chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng khi huyện có chủ trương về sử dụng logo, tem và hệ thống nhãn hiệu của Chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm quả bưởi, ông Cảnh và nhiều hộ dân khác trong thôn đã đăng ký tham gia. Ông Cao Xuân Cảnh cho biết: “Quả bưởi Phúc Trạch của vườn gia đình tôi đã khẳng định được chất lượng và giá cả trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Nay huyện có chủ trương cấp logo, tem và hệ thống nhãn hiệu của Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch, đối chiếu tiêu chuẩn, gia đình tôi đủ các điều kiện để được kiểm tra và cấp tem Chỉ dẫn địa lý”
HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng, thôn Thái Yên, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê hiện có 10 thành viên, với diện tích sản xuất bưởi Phúc Trạch là 5,5 ha, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 70 tấn. Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX Sản xuất- Kinh doanh Tổng hợp Nhật Hằng, huyện Hương Khê cho biết: “Thời gian này, HTX đang tập trung hoàn thiện quy trình để dán tem truy xuất nguồn gốc; tìm hiểu cách thức vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội, một trong những thị trường có nhiều đối tác tiêu thụ nhất với HTX trong các năm qua. Đặc biệt, qua hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền các cấp, HTX cũng đã kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử để bán hàng. Các sàn giao dịch này cũng cam kết sẽ hỗ trợ tiêu thụ bưởi với sản lượng lên đến hàng trăm tấn”
Còn ông Lê Văn Tỵ, thôn 8, xã Hương Thủy là một trong những hộ có truyền thống và kinh nghiệm trồng bưởi Phúc Trạch lâu năm của địa phương. Với kinh nghiệm của bản thân, mỗi năm ông lại mở rộng thêm một ít diện tích trồng cây bưởi Phúc Trạch, cứ thế đến nay, gia đình ông có gần 5ha trồng bưởi với trên 1 nghìn gốc. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, gia đình ông Lê Văn Tỵ thu nhập đều đặn từ cây bưởi khoảng 500 đến 600 triệu đồng, riêng năm nay, vườn bưởi của ông có hơn 2 vạn quả. Hiện ông đang hoàn thiện thủ tục để được cấp tem Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi của gia đình. Ông Lê Văn Tỵ, thôn 8, xã Hương Thủy nói “Trong số 2 vạn quả bưởi Phúc Trạch của gia đình, thì có trên 1 vạn quả là đủ điều kiện để cấp tem. Tôi nghĩ nếu được cấp và dán tem Chỉ dẫn địa lý thì quả bưởi của gia đình sẽ có giá trị hơn rất nhiều”.
Với tiềm năng và lợi thế của địa phương, hiện kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn xã Hương Thủy đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, mang lại thu nhập khá cho người dân, nhất là cây bưởi Phúc Trạch. Theo thống kê, đến nay xã Hương Thủy có trên 310 ha bưởi, trong đó gần 200 ha đã cho thu hoạch. Toàn xã có khoảng 900 hộ trồng bưởi, trong đó khoảng 300 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, 25 hộ thu nhập từ 300 đến trên trên 1 tỷ đồng. Ngoại trừ một số vườn bưởi đã bắt đầu cho thu hoạch và một số gia đình đã thu hái xuất ra thị trường, thì hầu hết các chủ vườn đều đang chờ thời điểm bưởi chín đúng vị mới cắt bán, nhằm ổn định, giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm quả bưởi “Phúc Trạch” để duy trì, phát triển thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Phúc Trạch.
Ông Đỗ Công Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho rằng: “Việc cấp tem Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch là vô cùng cần thiết, bởi vì nó khẳng định được thương hiệu cũng như chất lượng của quả bưởi trên thị trường, không lẫn các sản phẩm bưởi của những nơi khác, giúp các hộ trồng bưởi của xã Hương Thủy nói riêng và huyện Hương Khê nói chung xây dựng được thương hiệu của mình”
Theo kế hoạch, việc cấp sử dụng logo, tem và hệ thống nhãn hiệu của Chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm quả bưởi của huyện Hương Khê được thực hiện tại 19 xã với diện tích 2593 ha, sản lượng dự kiến năm nay khoảng 21.763 tấn. Huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các phòng, ngành liên quan thực hiện việc kiểm soát, với các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm quả bưởi được thu hoạch trong vùng địa lý được xác định theo bản đồ vùng chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và công nghệ. Đồng thời, tổ chức cấp quyền sử dụng hệ thống tem nhãn logo cho tất cả những trường hợp đáp ứng các tiêu chí quy định về sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Ông Nguyễn Duy Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết thêm: “Cùng với việc tổ chức cấp quyền sử dụng hệ thống tem nhãn logo cho tất cả những trường hợp đáp ứng các tiêu chí quy định về sử dụng chỉ dẫn địa lý. Thời gian này để đồng hành cùng người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, huyện cùng với ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số đối với cây bưởi Phúc Trạch, tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đi đến các địa phương khác để tiêu thụ bưởi theo quy định. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) và các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam để xây dựng gian hàng bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh trên các sàn voso.vn, postmart.vn, sendo.vn, hatiplaza.com”.
Huyện Hương Khê cũng đang tiếp tục tăng cường các giải pháp tuyên truyền người dân tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ giống bưởi đặc sản của địa phương.