Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố; lãnh đạo các Vụ Cục chuyên môn thuộc 2 Bộ; lãnh đạo và cán bộ/chuyện viên các Sở/Phòng GDĐT, Sở Y tế/Trung tâm Y tế quận/huyện.
Tại điểm cầu huyện Hương Khê, đồng chí Trần Quốc Bảo, Phó chủ tịch UBND huyện; các đồng chí lãnh đạo Phòng GD&ĐT; Bệnh viện đa khoa huyện; Trung tâm Y tế huyện; các cơ sở giáo dục trên địa bàn tham dự, tiếp thu ý kiến chỉđạo của Bộ Y tế và Bộ GDĐT.
Tạo điều kiện để học sinh ở địa bàn thuộc cấp độ dịch 1, 2 học trực tiếp
Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết, thời gian qua những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục đào tạo. Rất nhiều địa phương trên cả nước đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và hỗ trợ các tỉnh thành trong việc ra quyết định liên quan đến hoạt động dạy học ở địa phương, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; sổ tay phòng chống Covid-19 trong trường học… Trong đó, công văn 4726/BGDĐT-GDTC với sự thống nhất ý kiến của Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể việc tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến, tương ứng với các cấp độ dịch. Tuy nhiên, thực tế mỗi địa phương đang triển khai theo một cách khác.
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến địa phương thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục. Cả nước hiện có 28 tỉnh thành phố trong cả nước đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh thành dạy học trực tuyến và qua truyền hình; nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ 15/11. Tuy nhiên, với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho học sinh đi học trở lại phải có nhiều điều chỉnh. Tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vắc xin còn thấp. Trung bình toàn quốc mới đạt khoảng 62%.
Thứ trưởng Bộ GDDT đề nghị địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128. Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp. Khi học sinh quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em.
Phong toả khu vực hẹp thay vì toàn trường khi xuất hiện F0
Tại Hội nghị, đại diện một số địa phương đã nêu khó khăn của cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch khi cho trẻ đi học trực tiếp trở lại. Với sĩ số học sinh quá đông, các trường học rất khó để tổ chức lớp học đảm bảo giãn cách. Việc giáo viên, học sinh phải đeo khẩu trang trong toàn thời gian học tập tại trường với đối tượng học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và ăn ngủ bán trú, yêu cầu này gây khó cho các bé. Một số trườngcó sĩ số học sinh/lớp nhiều, thuộc diện đứng đầu cả nước (trên 50 học sinh/lớp, trong khi quy định là 35 học sinh/lớp đối với cấp Tiểu học), cũng phản ánh bất cập khi thực hiện giãn cách ở cơ sở giáo dục trên địa bàn.Nhiều địa phương đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn việc đeo khẩu trang trong trường học để vừa hiệu quả, vừa khả thi, an toàn, cũng như việc xử trí khi trường học xuất hiện F0, F1, F2 như thế nào để thích ứng an toàn trong tình hình mới.
Giải đáp các vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu bức tranh rộng hơn về việc WHO chưa thể dự báo dịch Covid-19 khi nào mới kết thúc và thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới không. Trong tình hình đó, các nước đã thay đổi biện pháp phòng chống dịch, từ chỗ quyết tâm không có virus chuyển sang đáp ứng với thời kỳ mới. 105/134 quốc gia theo đó đã mở cửa trường học.
Từ thực tế diễn biến dịch và giải pháp thích ứng của quốc tế; căn cứ tình hình thực tế trong nước, đặc biệt là kết quả tiêm vắc xin, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 với nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch theo đó không còn cứng nhắc. Địa phương vì thế cũng cần linh hoạt trong việc quyết định cho học sinh trở lại trường, căn cứ vào cấp độ dịch của các địa bàn cấp tỉnh, huyện, thậm chí đến từng đơn vị cấp xã.
Các kế hoạch phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục cần được xây dựng lại để phù hợp với thực tế hiện nay khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, và phải được UBND tỉnh/huyện phê duyệt, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của địa phương giám sát, kiểm tra.
Đối với tình huống trường học xuất hiện F0, theo lãnh đạo Bộ Y tế, cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này. Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong toả toàn trường trong thời gian dài, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có thể thực hiện chỉ phong toả lớp học/tầng học/toà nhà có F0. Sau 24h khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/toà nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các tổ chức chính quyền địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo, rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch từng trường; tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch cho cán bộ y tế học đường, đặc biệt là cán bộ y tế thuộc trường ngoài công lập.“Đó là thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả”.
Liên quan đến việc tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, khi có vắc xin về Bộ Y tế phân bổ ngay để địa phương tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh. Với đối tượng nhỏ hơn (trẻ em từ 3-11 tuổi), trên cơ sở danh sách của địa phương, Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch cung ứng.