Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn tới thân nhân người bị thiệt mạng, những người bị thương do các vụ cháy gây ra gần đây, đồng thời yêu cầu các địa phương, cơ quan tiếp tục thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ, động viên tinh thần, vật chất đối với các gia đình bị nạn.
Hội nghị đã nghe đại diện Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác PCCC và kiểm điểm kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác CNCH của lực lượng PCCC.
Trong 5 năm (từ 2017 - 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548 ha rừng. Ngoài ra, xảy ra 2.769 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; ngoài ra xảy ra 2.376 vụ, sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết, bị thương 11 người.
Điểm cầu huyện Hương Khê do đồng chí Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện chủ trì.
Riêng tại Hà Tĩnh, Từ tháng 8/2017 đến tháng 4/2022, xảy ra 354 vụ tai nạn, sự cố; gồm 81 vụ do sự cố tai nạn đuối nước, 153 vụ tai nạn giao thông, 62 vụ do thiên tai lũ lụt, 58 vụ tai nạn khác khiến 332 người tử vong, 99 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 9,6 tỷ đồng.
Cháy chủ yếu xảy ra tại khu vực thành thị với 9.002 vụ (chiếm tới 60,37%), nông thôn xảy ra 5.909 (chiếm 39,63%). Trong đó: do sự cố hệ thống, thiết bị điện 7.811 vụ (chiếm 45,8%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 4.485 vụ (chiếm 26,3%); các nguyên nhân khác đều chiếm dưới 10% tổng số nguyên nhân gây ra cháy.
Cháy và thiệt hại do cháy gây ra vẫn tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm hơn 45% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm hơn 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người.
Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm trên 45% tổng số vụ...
5 năm qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với 2.684.924 lượt cơ sở, phát hiện 1.103.426 tồn tại, thiếu sót; xử phạt 49.194 trường hợp với tổng số tiền phạt 520 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp.
Qua kiểm tra đã hướng dẫn người đứng đầu cơ sở tổ chức khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH, góp phần loại trừ hàng triệu nguy cơ phát sinh cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tham gia thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới công tác PCCC và CNCH, trong đó tập trung vào các vấn đề như nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; tăng cường năng lực PCCC và CNCH...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Công tác PCCC và CNCH là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn, dẫn tới nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn thì công tác PCCC, CNCH lại càng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Để thực hiện hiệu quả việc kiềm chế sự gia tăng về số vụ, thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC và CNCH đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả; đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm của người các các cấp ủy chính quyền, MTTQ, các bộ, ban, ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCCC và CNCH, trọng tâm là hoàn thiện dự thảo một số dự án Luật có liên quan tới công tác PCCC và CNCH để trình Quốc hội xem xét thông qua. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục kiến thức pháp luật cho các cấp chính quyền và Nhân dân tự giác chấp hành, tham gia thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; tham gia phong trào toàn dân PCCC và CNCH.