Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và ông Nguyễn Thanh Điện, TUV, Bí thư Huyện ủy Hương Khê cùng chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch; đồng chí Nguyễn văn Hiệp, UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Trần Quốc Bảo, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo UBMTTQ huyện; trưởng các ban, phòng liên quan.
Đồng chí Trần Quốc Bảo, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo...
Hương Khê hiện có 63 cơ sở giáo dục với 838 lớp, 23.356 học sinh, học viên. Toàn huyện có 126 cán bộ quản lý, 1.253 giáo viên, 126 nhân viên công tác trong ngành giáo dục. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giáo dục - đào tạo và nhà giáo, tạo điều kiện cho các giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong xã hội. Tính đến nay, Hương Khê đã cử trên 1.500 lượt cán bộ quản lý, giáo viên tham gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Công tác thi đua, khen thưởng của ngành được thực hiện đảm bảo công khai, dân chủ, kịp thời, khen thưởng đúng đối tượng, đúng thành tích, đúng quy định; chú trọng khen thưởng giáo viên trực tiếp đứng lớp, người lao động trực tiếp có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp công tác đem lại hiệu quả cao, các tập thể, cá nhân công tác tại vùng biên giới, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; các phong trào thi đua dạy tốt - học tốt được tổ chức sâu rộng.
Huyện cũng đánh giá cao việc ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước. Đồng thời, có thể khắc phục được tình trạng chồng chéo các quy định đối với nhà giáo hiện nay, tạo ra sự minh bạch, rõ ràng và dễ dàng tiếp cận với các quy định về chế độ chính sách đối với nhà giáo; khắc phục sự bất bình đẳng trong chế độ chính sách đối với nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Đồng chí Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện phát biểu.
Đồng chí Nguyễn Thanh Điện, TUV, Bí thư Huyện ủy phát biểu.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về nhà giáo trên địa bàn; đồng thời đề xuất một số nội dung liên quan đến chế độ đãi ngộ, lương, phụ cấp và phúc lợi đối với nhà giáo; kiến nghị về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong xây dựng, quản lý và phát triển nhà giáo…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nêu một số bất cập, khó khăn trong việc thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về nhà giáo trên địa bàn huyện Hương Khê nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn đoàn công tác xem xét, ghi nhận các ý kiến của địa phương để có đánh giá khách quan về thực trạng hệ thống chính sách, pháp luật về nhà giáo và những nội dung cần thể chế hóa trong xây dựng Luật Nhà giáo.
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Trưởng đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tâm huyết của các đại biểu đã gợi mở nhiều vấn đề liên quan tới hệ thống chính sách, pháp luật về nhà giáo; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến đóng góp của địa phương, ngành giáo dục huyện.
Trên cơ sở các ý kiến, đoàn công tác có đánh giá đúng thực trạng xây dựng và phát triển nhà giáo các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Từ đây, kiến nghị, đề xuất định hướng nội dung chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh đối với nhà giáo phục vụ cho xây dựng và thẩm tra dự án Luật Nhà giáo phù hợp với tình hình hiện nay.