Kẻ thê thảm….
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh của Công ty CP chăn nuôi bò Bình Hà (Cty Bình Hà) được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, triển khai trên diện tích hơn 2.100 ha ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Theo thuyết minh dự án, với quy mô 254.200 con bò/năm, dự kiến sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, là nguồn cung cho thị trường xuất khẩu và nội địa, hàng năm mang lại lợi nhuận bình quân từ 1.000 - 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.000 lao động địa phương.
Dự án này sau đó đã được một ngân hàng chấp thuận cho vay, giải ngân cho Công ty Bình Hà 2.687 tỷ đồng.
Không như kỳ vọng, sau 3 năm triển khai, dự án đã thực sự gây thất vọng cho chính quyền và người dân Hà Tĩnh. Trung bình mỗi năm, Công ty Bình Hà chỉ nhập về 15.000 con bò, bằng… 6% quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nhấn để phóng to ảnh
Khung cảnh "trại trơ, chuồng trống" tại đại dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà.
Nhấn để phóng to ảnh
Hiện không còn bất kỳ một con bò nào tại dự án này.
Trong quá trình hoạt động, hàng ngàn con bò giống nhập về sau khi nuôi được vài tháng đã phải bán vội vì không có hiệu quả kinh tế, thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, đồng thời có nguy cơ không thu hồi được vốn của ngân hàng.
Dự án vốn đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn khi hàng loạt đối tượng là lãnh đạo Cty Bình Hà, nhà thầu, một số cán bộ ngân hàng bị khởi tố vì lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của dự án. Đáng chú ý, trong số các đối tượng bị bắt giữ có ông Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà ) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú, trụ sở tại Bình Định.
Dự án nuôi bò khủng này ngắc ngoải và chính thức đổ bể vào giữa năm 2018. Trong lúc ngắc ngoải, Cty Bình Hà chuyển một phần đất trồng cỏ nuôi bò sang trồng chuối để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do chắp vá, thiếu quản lí, thiếu vốn đầu tư, nên nguồn thu từ chuối không đủ bù chi các hoạt động của công ty, nợ lương công nhân kéo dài nhiều tháng.
Nhấn để phóng to ảnh
Từ nuôi bò Công ty Bình Hà hiện chuyển sang trồng chuối.
Nhấn để phóng to ảnh
Dự án đổ bể gây ra một loạt các hệ lụy, từ khả năng thu hồi vốn, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng, việc giải quyết hàng trăm lao động địa phương đã không như thuyết minh nêu. Đặc biệt là sự bức xúc của người dân khi dự án không như cam kết trong khi người dân thiếu đất để trồng rừng, chăn nuôi. Đây là nguồn cơn của một số bất ổn tại địa phương, trong đó nhiều hộ dân tại xã Kỳ Lạc đã vi phạm pháp luật khi tự ý lấn chiếm hàng trăm ha rừng để sản xuất.
Hiện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đang rất đau đầu với Dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà, bởi không chỉ một mình tỉnh này có thể tự giải quyết được, mà phần lớn còn phải trông chờ vào hướng tái cơ cấu như thế nào của chủ đầu tư? Đây là một việc được dự báo quá khó khăn trong bối cảnh hàng loạt cán bộ chủ chốt của công ty vướng vào vòng lao lí vì tiêu cực, làm sai lệch, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền của dự án.
…Người lên hương
Trái ngược hoàn toàn với dự án bò của Công ty Bình Hà, Dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) triển khai tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ, công suất 3.000 con bò sữa/năm lại phát triển tốt, có nhiều đóng góp với địa phương.
Nhấn để phóng to ảnh
Dự án chăn nuôi bò sữa tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Tháng 9/2014, trang trại này bắt đầu đón những con bò nhập khẩu đầu tiên. Đến đầu năm 2015, được lắp đặt dây chuyền công nghệ hiện đại của Canada, Thụy Điển. Từ tháng 3/2016, trang trại chính thức đi vào hoạt động.
Từ 400 con bò sữa đầu tiên được nhập từ Úc, đến nay, trang trại đạt hơn 2.000 con. Hiện tại, trong khuôn viên 17 ha tại xã Sơn Lễ, trang trại đã có bò lấy sữa, bò mang thai, bò tơ và bê cái. Sản lượng sữa trung bình tại trang trại đạt 30 tấn/ngày, với giá bán 14.000 đồng/lít, thu về 420 triệu đồng/ngày.
Từ trang trại trên, địa bàn đã hình thành nên 25 tổ hợp tác với hàng trăm người chuyên đảm nhận trồng ngô, trồng cỏ làm thức ăn cho bò, với mức thu nhập cao hơn hẳn so với trồng lúa và rau màu.
Bên cạnh tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 90 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm còn có hơn 30 lao động thời vụ được huy động để phục vụ đàn bò sữa hàng ngàn con.
Còn ông Lê Quang Hồ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết: “Tính đến thời điểm này, đã có hàng trăm ha diện tích đất bỏ hoang, diện tích trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả ở các xã: Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Trung được chuyển sang trồng ngô, cỏ mombasa chất lượng cao cho thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Trong đó, 1 ha thân ngô non cho thu nhập 100 triệu đồng, còn 1 ha cỏ mombasa cho thu nhập lên đến 400 triệu đồng”.